Quảng Ninh: Không chủ quan, lơ là trước dịch cúm A

30/07/2022 09:05

Kinhte&Xahoi Nguyên nhân số ca mắc cúm A ở Quảng Ninh tăng cao do người dân chủ quan, lơ là không đeo khẩu trang nơi công cộng cùng với thời tiết thay đổi thất thường.

Bệnh nhân mắc cúm A tại Quảng Ninh tăng cao bất thường

 Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh, đến giữa tháng 7/2022, Quảng Ninh ghi nhận khoảng gần 900 ca mắc cúm A. Bên cạnh đó, một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như sốt xuất huyết cũng có nguy cơ bùng phát.

Cụ thể, trong khoảng đầu tháng 7/2022, tình trạng bệnh nhân mắc cúm A tại Quảng Ninh có xu hướng tăng cao bất thường, mặc dù đang thời điểm mùa hè, không phải là mùa bùng phát loại bệnh này.

Tại Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc cúm A tăng đột biến so với cùng kỳ, bình quân mỗi ngày ghi nhận khoảng từ 20-30 bệnh nhân nhập viện do mắc cúm A.

Chị N.T.A.C trú tại phường Cao Thắng, TP Hạ Long, cho biết: "Trước khi vào viện, tôi có triệu chứng ho, sốt cao từ nhẹ đến nặng. Đầu tiên, tôi sốt khoảng 38 độ C, sau đó sốt trên 39 độ C, uống thuốc hạ sốt không đáp ứng, tự test covid-19 tại kết quả âm tính. Tôi nhập Bệnh viện Bãi Cháy với tình trạng cấp cứu. Tại bệnh viện, tôi được test cúm A và Covid-19, được bác sĩ chẩn đoán mắc cúm A. Sau 4 ngày điều trị, bệnh thuyên giảm nhiều, cắt sốt".

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhi mắc cúm A tại Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh (Ảnh: BVCC)

Anh N.Q.T, trú tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long nhập viện tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy với biểu hiện mỏi cơ, đau cơ, không ho sốt. Bác sĩ của bệnh viện chuẩn đoán anh Thắng mắc bệnh cúm A.

Theo bác sĩ chuyên khoa I, Hoàng Thị Thanh hoa, Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Bãi Cháy cho biết, đa số bệnh nhân nhập viện do cúm có biểu hiện sốt cao, đau mỏi toàn thân, viêm đường hô hấp cấp với các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho, viêm phổi...

Nguyên nhân tình hình dịch cúm A bùng phát thời điểm này một phần do nhân dân chủ quan không thực hiện đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Hơn nữa đây là thời gian nghỉ hè, mọi người đi du lịch, giao lưu, gặp gỡ nhiều hơn nên tốc độ lây lan tăng. Vì vậy, bác sỹ Hoa lo ngại ngoài vấn đề cúm A còn có nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát.

Trong những ngày qua, không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng là đối tượng mắc cúm A. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy ghi nhận số lượng trẻ mắc cúm A tăng đột biến trên dưới 20 bệnh nhi một ngày.

Triệu chứng trẻ gặp phải khi nhiễm cúm như sốt cao, đau đầu, mỏi người, viêm đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, một số bệnh nhi có biến chứng nặng như viêm phế quản, viêm tai giữa.

Bác sỹ Hà Thị Duyên, Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy thông tin, để phòng tránh cúm A, phụ huynh nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm cho con em mình trước khoảng 1 tháng thời điểm dịch cúm diễn ra vào mùa Đông Xuân (tháng 3,4,9,10 trong năm).

Khi trẻ có dấu hiệu nặng như tiêu chảy, sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn cần phải nhập viện điều trị. Cùng với đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh tập trung đông người khi đang có dịch cúm.

Tăng cường cảnh giác và phát hiện sớm ca bệnh mắc cúm A

 Trước tình hình dịch cúm A gia tăng tại địa phương, Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Thị Dung, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Quảng Ninh nhận định, trong thời gian tới có xu hướng phức tạp hơn. Để kiểm soát dịch bệnh, phía Trung tâm tăng cường hoạt động giám sát tại các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh.

Các đơn vị khi có các trường hợp nặng cần khẩn trương điều trị tích cực, lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán các chủng, giúp chủ động cho công tác điều trị; tăng cường hoạt động truyền thông, tăng cường cho người dân cảnh giác và phát hiện sớm các ca bệnh.

Người dân cần đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị khi mắc các biểu hiện của bệnh cúm A

“COVID-19; cúm A và sốt xuất huyết có thể đang cùng lúc xuất hiện trong cộng đồng, các triệu chứng của các loại bệnh này hơi giống nhau. Do đó người dân không nên chủ quan. Nếu như dùng các loại thuốc hạ sốt không đỡ nên đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác, điều trị sẽ giảm được các biến chứng, nguy cơ chuyển biến nặng, cùng với đó các cá nhân, gia đình, những nơi tập thể phải thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ môi trường xung quanh…,” bác sỹ Dung khuyến cáo.

Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Cục phó Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định một năm ghi nhận 600.000 đến một triệu ca cúm A "không phải tăng đột biến". Tại Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm số ca mắc cúm A thấp hơn năm ngoái.

Đánh giá nguyên nhân, theo ông Tâm, hai năm vừa qua, dịch Covid-19 khiến người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm A ít. Sau khi Covid được kiểm soát, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thay đổi thất thường cũng khiến bệnh phát triển, số ca tăng nhanh ngay trong mùa hè.

Năm nay, Việt Nam chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, bệnh nhân phần lớn đều có triệu chứng nhẹ. Năm 2019, cả nước ghi nhận gần 409.000 người mắc cúm trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Triệu chứng nhận biết người mắc cúm A

 Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó cúm A và B là hai chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch. Các chuyên gia nhận định cúm A thường rất ít xuất hiện trong mùa nóng do virus cúm không phát triển và gây bệnh trong thời tiết khô nóng, mà thường sinh sôi mạnh vào mùa đông xuân khi tiết trời lạnh, nồm ẩm. Riêng năm nay, thời tiết biến đổi bất thường, đến tháng 5 vẫn còn các đợt không khí lạnh, có thể là lý do khiến virus cúm A sinh sôi.

Triệu chứng ban đầu của bệnh tương tự các bệnh cúm mùa nói chung. Điểm khác là trẻ thường sốt cao 39-40 độ C, đỏ mắt, họng bị sung huyết. Trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, khi bệnh nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản...

Người dân thường xuyên vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ trước sự biến đổi bất thường của các chủng cúm. Người dân không nên tự ý mua thuốc, tích trữ và sử dụng thuốc kháng virus. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

 Trần Huyền - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ

Ngày 29-7, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7-2022 tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030 với nhiều hỗ trợ như: tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên;...

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/quang-ninh-khong-chu-quan-lo-la-truoc-dich-cum-a-202240.html