Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

13/11/2018 08:38

Kinhte&Xahoi Chiều 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Trước khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH. Báo cáo nhấn mạnh, đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 14 thông qua Hiệp định CPTPP. Ảnh: Hoàng Phong

Về đánh giá tác động, lấy ý kiến các nhóm đối tượng chịu sự tác động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ trình và báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP toàn diện về chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, kinh tế, xã hội. Quá trình đàm phán Hiệp định, bằng các hình thức khác nhau, Chính phủ đã lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp; các bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo để cung cấp thông tin và tiếp thu ý kiến góp ý từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Sau khi kết thúc đàm phán, Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá định lượng về tác động của Hiệp định đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát như đã được trình bày trong Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và ngay sau khi ký kết Hiệp định CPTPP, Chính phủ chỉ đạo đăng tải nội dung của Hiệp định trên Cổng thông tin của Bộ Công Thương.

Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan với 100% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định và theo khoản 3 Điều 77 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng năm về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế. 

Nghị quyết cũng giao Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại.

Đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.

 

Theo VPCP/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi USD ở đâu là hợp pháp?

Đổi ngoại tệ thành Việt Nam đồng là một giao dịch tương đối phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này.

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.