Rác thải tràn ngập vài ngày gây bức xúc, lãnh đạo Hà Nội xử lý thế nào?

18/07/2020 07:59

Kinhte&Xahoi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và URENCO thu gom, chuyển rác tạm thời tới bãi rác Cầu Diễn, Xuân Sơn và trong hôm nay sẽ cơ bản dọn sạch rác trong nội thành...

Trao đổi về vấn đề “nóng” khi Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, sáng nay, 17/7, cử tri phường Hàng Trống nêu thực trạng, trong những ngày qua rác thải ùn tắc, tràn ngập tại một số quận ở khu vực nội thành.

Cử tri cho rằng đây là lần thứ 6 xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân do người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) chặn đường không cho xe vận chuyển rác vào khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn. Cử tri đề nghị thành phố cho biết giải pháp để giải phóng rác thải đã ùn ứ nhiều ngày qua, đồng thời, những giải pháp lâu dài để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải cho hơn 8 triệu dân thành phố...

Theo Chủ tịch Hà Nội, từ tối 14/7, một số người dân chặn không cho xe chở rác vào Khu xử lý rác Nam Sơn làm ùn ứ rác trong nội thành. Trước mắt, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và URENCO thu gom, chuyển rác tạm thời tới bãi rác Cầu Diễn, Xuân Sơn và hôm nay sẽ cơ bản dọn sạch rác trong nội thành.

Chủ tịch Hà Nội cũng nêu rõ đây là vấn đề đã được đặt ra trong cả nhiệm kỳ qua. Về giải pháp lâu dài, Thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các nhà máy xử lý rác. Năm 2017, Thành phố đã khánh thành Nhà máy lý rác thải độc hại ở khu Nam Sơn (Sóc Sơn) theo công nghệ đốt và phát điện với công suất 75 tấn/ngày. Ở khu Nam Sơn có 3 nhà đầu tư đăng ký dự án án nhà máy đốt rác phát điện. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ có bị ảnh hưởng, tuy nhiên, trong năm nay, một dự án sẽ hoàn thành với công suất 4.000 tấn/ngày đêm với công nghệ của Bỉ. Đến quý I năm 2022, Thành phố cũng sẽ khánh thành một nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/ngày đêm. Lúc đó, cơ bản rác thải của thành phố sẽ được xử lý đốt để phát điện.

Trực tiếp đi khảo sát các nhà máy xử lý rác hiện đại ở Đức, Pháp và Nhật, Chủ tịch Chung cho biết, ở Tokyo (Nhật), nhà máy xử lý rác được đặt ở ngay sát các quận. Rác được đốt với công nghệ không mùi, không mầu, không ảnh hưởng đến người dân.

"Hà Nội hiện nay đặt bãi rác thải hiện quá xa, phí vận chuyển cao. Vì vậy, đây là xu hướng cần tính toán, cần thiết có thể mời người dân đi thăm, tận mắt xem công nghệ của các nhà máy này để hiểu rõ. Với các nhà đầu tư tham gia vào việc xây dựng nhà máy xử lý rác, Hà Nội đặt ra những tiêu chí cụ thể là: nhà đầu tư phải có năng lực, đảm bảo tài chính; phải có hệ thống lọc hiện đại, không thải khí độc ra môi trường", ông Chung nói.

Về việc người dân chặn không cho xe rác vào khu xử lý rác ở Sóc Sơn, Chủ tịch Hà Nội cho biết đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn gặp gỡ, đối thoại với người dân.  Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn,và Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Quốc Hùng cũng trực tiếp xuống lắng nghe, đối thoại, giải thích với người dân để người dân hiểu.

Ông Nguyễn Đức Chung thông tin thêm, Thành phố đã chuẩn bị xong nhà tái định cư để di dân khỏi vùng ảnh hưởng của khu xử lý rác Nam Sơn. Vướng mắc căn cơ nhất hiện nay là việc xác định nguồn gốc đất để đền bù.

"Những cơ chế chính sách nào tốt nhất cho người dân thì Thành phố sẽ áp dụng. Bên cạnh đó, Thành phố luôn đồng cảm với người dân sống xung quanh bãi rác, do vậy, trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, những chính sách tốt nhất đã được Thành phố áp dụng để giúp người dân. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật cần phải có thời gian để xử lý", Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định.

M.Trường - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/rac-thai-tran-ngap-vai-ngay-gay-buc-xuc-lanh-dao-ha-noi-xu-ly-the-nao-d129649.html