Sau Hà Giang, điểm thi Sơn La lại bất thường: Không ngạc nhiên!

18/07/2018 15:33

Kinhte&Xahoi Sau cơn "chấn động" ở Hà Giang, chuyên gia không bất ngờ với hiện tượng điểm thi cao bất thường tại các tỉnh khác.

Từ sự cố điểm thi ở Hà Giang, sáng 18/7, trao đổi với PV, PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: Sau cơn chấn động ở Hà Giang, ông không còn bất ngờ với hiện tượng điểm thi cao bất thường tại các tỉnh khác. Tuy nhiên, ông Xê nhấn mạnh lỗi chính không phải ở hình thức thi, cũng không phải ở quy trình tổ chức, mà trước hết là do chính con người.

Kết quả chấm thẩm định cho thấy Hơn 330 bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang đã được nâng điểm so với ban đầu

“Khi con người đã có chủ ý muốn ăn gian thì không có quy trình nào không lọt cả. Điều đáng nói, nếu cá nhân gian lận thì cũng chỉ làm được vài trường hợp. Do vậy, nếu muốn thay đổi thang điểm của cả một tỉnh như vụ Hà Giang vừa qua, chắc chắn phải có sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên”, ông Xê nhấn mạnh.

Ngay khi vụ tiêu cực chấm thi Hà Giang vẫn đang được điều tra thì dư luận lại giấy lên nghi vấn điểm thi bất thường tại Sơn La. Cụ thể, theo số liệu phân tích thống kê của GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia), kết quả phân tích điểm thi của Sơn La có nhiều bất thường. Cụ thể, đi vào phân tích phổ điểm của 8 môn học, GS Tuấn cho ra kết quả: số thí sinh điểm 9.0 đến 9.8 cao bất thường. “Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng”, ông Tuấn nói.

Đối với môn Lý, sự bất thường này còn cao hơn khi số học sinh có điểm 9.0 trở lên là 13 em, trong khi đó theo kì vọng quốc gia thì chỉ có 1 thí sinh. Nói cách khác, số thí sinh có điểm Vật lí cao ở Sơn La chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.

Liên quan tới hiện tượng trên, PV cũng đã nhiều lần liên hệ với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) song vị lãnh đạo này không bắt máy.

Dữ liệu phân bố điểm thi môn toán, lí, hóa, và sinh cho cả nước (màu xanh) và Sơn La (màu hồng) cho thấy có những đường cao bất thường

Nhận định lại kỳ thi THPT, TS Lê Thống Nhất, sáng lập hệ thống Bigschool, cho rằng có rất nhiều kẽ hở tạo "đất sống" cho tiêu cực. Đặc biệt ở khâu scan phiếu trả lời trắc nghiệm, theo TS Nhất, nếu nhóm cán bộ thực hiện không kiểm soát nhau tốt hoặc thông đồng với nhau thì đây là kẽ hở lớn.

“Phiếu trả lời trắc nghiệm học sinh dùng bút chì tô đen phương án chọn nên cán bộ có thể thay đổi phương án theo đáp án do chính Bộ GDĐT cung cấp ngay sau buổi thi cuối cùng. Hơn nữa, quá trình scan cũng khá lâu vì mỗi đơn vị có rất nhiều phiếu trả lời, nên hành vi tiêu cực càng có đủ thời gian để thực hiện. Thậm chí, có người cho rằng, học sinh có thể nộp phiếu "trắng" để khi cán bộ can thiệp vào phiếu này đỡ phải tẩy xoá”, ông Nhất phân tích.

Một “kẽ hở” khác là các bản file ảnh chuyển qua file text để giảm dung lượng thì trong trường hợp không sửa trên phiếu trả lời gốc, cán bộ có thể sửa dễ dàng trên file tetx này.

Kết quả điều tra ban đầu vụ tiêu cực chấm thi ở Hà Giang, cũng cho thấy, ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang là người được giao trực tiếp phụ trách và sử dụng máy tính quét chấm điểm thi trắc nghiệm. Ngày 27/6, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án thi, ông Lương đã tải toàn bộ đáp án về, xử lý qua Excel và lưu ở trong máy tính. Sau đó đem máy tính đó đến phòng quét và xử lý trắc nghiệm. Trong quá trình quét và xử lý trắc nghiệm, ông Lương đã lấy kết quả xử lý trước đó copy sang, dán vào file ảnh rồi chuyển từ file ảnh sang file excel. Với thao tác này, mỗi trường hợp sửa, ông Lương chỉ mất khoảng 6 giây.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đẩy mạnh thu giữ tài sản đảm bảo, nhiều ngân hàng vẫn đang chật vật xử lý nợ xấu

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ thu hồi tài sản đảm bảo có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được tiến hành cho thấy tín hiệu tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng . Tuy nhiên, hiện nay, nhiều Ngân hàng vẫn còn đang rất khó khăn, chật vật với các khoản nợ xấu lớn, đặc biệt trong việc đấu giá tài sản đảm bảo.