Hành khách được đo nhiệt độ tại Sân bay Quốc tế Frankfurt. Ảnh: AFP (chụp tháng 4/2020)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu đều bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về số lượng lớn các đột biến của biến thể này. Họ cho biết các đột biến có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine và tăng nguy cơ tái nhiễm.
Tiến sĩ John Campbell (Anh) nói với DW rằng Omicron "không có khả năng làm mất hiệu lực hoàn toàn của vaccine", "nó có thể làm giảm hiệu quả của vaccine nhưng vaccine có vẻ sẽ tiếp tục ngăn ngừa tình trạng nghiêm trọng, nhập viện và tử vong trong phần lớn các ca nhiễm COVID-19".
Ông Campbell nói thêm: "Tin tốt là các nhà sản xuất vaccine đảm bảo với chúng tôi rằng họ có thể chỉnh sửa gen của vaccine khá nhanh... Khá hợp lý khi cho rằng họ có thể nhận được vaccine đặc hiệu hơn để chống cho biến thể Omicron trong vòng hai tháng".
Mặc dù vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên và xác định là "biến thể đáng quan tâm", nhưng biến thể Omicron đã kịp di chuyển vào lục địa châu Âu, do việc nới lỏng các hạn chế hàng không thời gian qua.
Các nhà chức trách Đức đã khuyến cáo những người từ miền nam châu Phi hạn chế tiếp xúc và thực hiện xét nghiệm, như đã thực hiện vào tháng 4/2020
Bộ trưởng ở bang Hesse, miền tây nước Đức hôm thứ Bảy cho biết biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao của COVID-19 "rất có thể đã đến" Đức. Ông Kai Klose, Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề xã hội và hội nhập, đã viết trên Twitter rằng một du khách trở về từ Nam Phi được phát hiện bị nhiễm "một số đột biến điển hình của Omicron" và các cơ quan y tế "nghi ngờ mức độ cao" rằng hành khách này đã mắc phải biến thể Omicron.
Bộ Ngoại giao về các vấn đề xã hội và hội nhập bang Hesse xác nhận rằng người nhiễm biến thể Omicron đã nhập cảnh vào Đức qua sân bay Frankfurt ở Hesse.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là trường hợp đầu tiên ở Đức của biến thể Omicron, được phát hiện gần đây ở miền nam châu Phi, và được cho là có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể COVID-19 khác.
Chuyển bệnh nhân COVID-19 từ Bệnh viện Thueringen Kliniken đến Bệnh viện ở Hanover, Đức. Ảnh: dpa (qua AP) chụp ngày 26/11/2021.
Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Olaf Scholz, người sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng kế nhiệm bà Angela Merkel vào đầu tháng tới, nhấn mạnh hôm thứ Bảy rằng, Chính phủ liên minh của ông sẽ làm "mọi thứ cần thiết" để chống lại virus và các biến thể của nó.
Hôm thứ Bảy, Đức đã tuyên bố Nam Phi là một khu vực có nhiều biến thể của virus. Các hãng hàng không chỉ được phép chở công dân Đức trở lại Đức. Bộ Y tế yêu cầu tất cả các hành khách đến từ Nam Phi phải được phân khu với các hành khách khác ở sân bay. Sau đó, họ phải cách ly trong 14 ngày, ngay cả khi đã được tiêm phòng, khi đến Đức.
Nước láng giềng Bỉ đã ghi nhận một trường hợp nhiễm Omicron ở một người chưa được chủng ngừa từ nước ngoài trở về.
Hà Lan cho biết họ đang tiến hành thêm các xét nghiệm đối với 61 hành khách đến trên hai chuyến bay từ Nam Phi hôm thứ Sáu và có kết quả dương tính với virus corona. Các cơ quan y tế lo ngại rằng một số hoặc tất cả trong số họ có thể đã nhiễm biến thể Omicron.
Hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron mới đã được xác nhận ở Anh vào thứ Bảy. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết trên Twitter rằng hai trường hợp Omicron ở Anh "có liên quan và có mối liên hệ với việc đi du lịch đến miền nam châu Phi".
Hai người nhiễm bệnh đang tự cách ly và việc truy vết đang được thực hiện. "Để đề phòng, chúng tôi đang triển khai xét nghiệm có mục tiêu bổ sung ở các khu vực bị ảnh hưởng - Nottingham và Chelmsford - và giải trình tự tất cả các trường hợp dương tính", ông Sajid Javid nói thêm.
Các quốc gia thành viên EU vào thứ Sáu đã đóng cửa biên giới của họ đối với cư dân đến từ bảy quốc gia Nam Phi - Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe - vì biến thể này.
Quyết định được đưa ra vài giờ trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho biến thể, lần đầu tiên được gọi là B.1.1.529, là Omicron và dán nhãn nó là "biến thể cần quan tâm".
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng "bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ lây nhiễm gia tăng" và các chuyên gia cũng lo ngại rằng "số lượng lớn đột biến" của biến thể khiến nó trở nên miễn dịch hơn với các phương pháp điều trị hiện tại, bao gồm cả vaccine.
Hồng Hân - Pháp luật Plus