Theo báo cáo nhận định về Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá Sacombank đã bám sát tiến độ giảm tỷ lệ nợ xấu báo cáo (nợ xấu nội bảng), theo kế hoạch đề ra tại đại hội đồng cổ đông.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu báo cáo đã giảm dần từ 4,67% trong năm 2017 xuống còn 4,0%, 3,7%, 3,2% và cuối cùng là 2,1% vào cuối quý I, quý II, quý III và quý IV năm 2018. Trong đó, các khoản vay nhóm 5 (nhóm cho vay thua lỗ) đã giảm 40,7% xuống còn 4.900 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng 95% đạt 1.590 tỷ đồng, nâng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu lên 64,9% từ 26,4% trong năm 2017.
Đáng chú ý, SSI ước tính rằng Sacombank vẫn còn khoảng 84.200 tỷ đồng tài sản có vấn đề, giảm 5,5% so với năm 2017 và chiếm khoảng 20,8% tổng tài sản, bao gồm 40.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và 44.000 tỷ đồng các khoản phải thu lãi và phí phải thu. Kết quả này thấp hơn so với mức 24,2% tổng tài sản trong năm 2017.
Ảnh minh họa
"Nếu ngân hàng có thể tiếp tục với tốc độ như đã đạt được trong năm 2017, chúng tôi cho rằng ngân hàng có thể tìm ra giải pháp giải quyết nợ xấu của họ trong khoảng 5 năm. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại về tiến độ dòng tiền nhận được từ quá trình xử lý nợ xấu", SSI cho hay.
Công ty chứng khoán này phân tích, giá trị của các khoản nợ xấu (tài sản thế chấp chủ yếu bằng bất động sản) tương đối lớn, đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh và do đó phải mất một thời gian dài để hoàn thành giao dịch.
Ví dụ, ngân hàng tìm được người mua thông qua đấu giá một lô đất công nghiệp tại tỉnh Long An năm 2017 với số tiền 9.200 tỷ đồng, ngân hàng chỉ nhận được 920 tỷ đồng tiền đặt cọc vào ngày ký kết hợp đồng. Phần còn lại sẽ được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm, với thời gian ân hạn là 2 năm đầu (phí trả chậm là 7,5% mỗi năm). Trong trường hợp này, ngân hàng có thể bắt đầu nhận tiền từ đầu năm 2020.
Năm 2018, Sacombank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 2.247 tỷ đồng, tăng trưởng 50,6% trong năm 2018 và hoàn thành 122,3% kế hoạch năm. Kết quả có được là nhờ tăng trưởng thu nhập lãi ổn định và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt hơn, cũng như tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tăng 0,56 điểm% (lên 2,66% từ 2,1%). Tổng thu nhập hoạt động đạt 11.700 tỷ đồng (tăng 35%), trong khi chi phí hoạt động tăng với tốc độ chậm hơn ở mức 7.800 (tăng 23,7%). Điều này dẫn đến tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm xuống còn 67,1% từ 73,3% trong năm 2017.
Tổng tín dụng ngân hàng đạt 257.200 tỷ đồng, tăng 14%, tương đương tốc độ tăng trưởng của toàn hệ thống là 14%. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng đạt 349.200 tỷ đồng, tăng 9,2%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của toàn hệ thống là 11,6%
Thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 44,6% và 20,1%. Nhờ đó, thu nhập ngoài lãi chiếm 35% tổng thu nhập hoạt động (TOI), thấp hơn so với 39% trong năm 2017, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tỷ trong thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng cùng hệ thống (khoảng 20-30%). Trong đó, thu nhập khác đạt 932,2 tỷ đồng (tăng 196%), chủ yếu nhờ kết quả tích cực từ quy trình xử lý nợ xấu hiệu quả.
Theo VNF/ Hoanhap.vn