Sử dụng tài khoản định danh điện tử giúp hạn chế tối đa giấy tờ tùy thân

02/04/2022 17:34

Kinhte&Xahoi Khi hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động, người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện các dịch vụ công sẽ được tự động điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký mà không phải khai báo. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, giảm nhiều khâu thủ tục.

Nộp phạt vi phạm giao thông qua hình thức trực tuyến

 Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, bắt đầu từ ngày 25/2/2022, đã triển khai cấp tài khoản định danh điện tử trên cả nước, thông qua nghiệp vụ cấp mới, đổi, cấp lại căn cước công dân cho những công dân có nhu cầu đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Tính đến ngày 19/3/2022, Công an địa phương đã thu nhận được gần 40.000 hồ sơ cấp định danh điện tử của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, những “trái ngọt” từ việc chuyển đổi số đã hiện hữu trong cuộc sống mà người dân chính là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.

Điển hình như trong lĩnh vực giao thông, người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Công dân chỉ cần cung cấp cho lực lượng chức năng thông tin về căn cước công dân, số điện thoại di động. Hệ thống dịch vụ công sẽ tự động gửi mã số quyết định xử phạt để người dân chủ động tra cứu, kiểm tra và chọn hình thức nộp phạt trực tuyến.

Người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Thông tin về vấn đề này, chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Từ ngày 1/3, lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn thành phố triển khai xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia ở mức độ 3 và 4.

Theo đó, Cảnh sát Giao thông sẽ lập và nhập biên bản vi phạm hành chính vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm trên Cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt, gửi số quyết định đến cho người vi phạm qua số điện thoại đăng ký. Từ số (mã) quyết định vi phạm này, người vi phạm có thể vào hệ thống tra cứu thông tin, tiến hành nộp phạt trực tuyến tại nhà mà không cần tốn thời gian đến trụ sở các đơn vị của Cảnh sát Giao thông.

Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng tổ hành chính xử lý Ðội Cảnh sát Giao thông số 1, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Hà Nội, trước mắt người dân sau khi nộp phạt trực tuyến vẫn phải đến cơ quan công an nhận lại giấy tờ.

Tuy nhiên, trong thời gian rất ngắn sắp tới, khi dịch vụ công quốc gia đã kết nối với bưu điện, người dân sẽ không cần đến cơ quan công an lấy giấy tờ nữa mà lực lượng cảnh sát giao thông sẽ chuyển lại giấy tờ qua hệ thống bưu điện đến địa chỉ người dân đăng ký.

Có thể thấy, hình thức nộp phạt trực tuyến tạo nhiều thuận lợi cho người vi phạm giao thông như không mất thời gian đi lại nhiều lần, hạn chế tiếp xúc trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp... Bên cạnh đó, còn tạo nhiều thuận lợi cho cảnh sát giao thông trong quá trình làm nhiệm vụ, quy trình xử phạt được rút gọn nhiều bước.

"Để người vi phạm hiểu rõ hơn về hình thức nộp phạt online, đơn vị cũng đã quán triệt các tổ công tác làm nhiệm vụ ngoài đường, trong quá trình lập biên bản sẽ kết hợp thông tin, phát tờ rơi, hướng dẫn người vi phạm các thao tác trên máy tính hoặc điện thoại để nộp phạt online", Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến cho biết thêm.

Tạo thuận lợi trong khám chữa bệnh

Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện các dịch vụ công không chỉ giúp người dân thuận lợi trong việc nộp phạt vi phạm giao thông mà trong việc khám chữa bệnh, tài khoản định danh điện tử cũng phát huy nhiều tác dụng.

Theo đó, tại Bệnh viện đa khoa Ðức Giang, Hà Nội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã triển khai tiện ích sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được tích hợp lên thẻ căn cước công dân gắn chíp. Khi người dân đến khám, chữa bệnh tại đây chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chíp là có thể thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế.

Ðể thực hiện được điều này, Bộ Công an phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp thông tin bảo hiểm y tế lên thẻ căn cước công dân phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trong việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để kết nối và hoàn thiện hệ thống theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng và người dân với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn.

Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, việc triển khai chuyển đổi số trong thực hiện các thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, tỷ lệ người dân được hưởng từ dịch vụ công tăng hơn 50% so với giai đoạn trước khi triển khai Ðề án 06.

Cùng với đó, chất lượng xử lý hồ sơ của cán bộ giải quyết dịch vụ công tăng từ 89% lên 96,52%. Các giải pháp tích hợp các loại giấy tờ vào thẻ căn cước công dân cơ bản hoàn thiện, tạo thuận tiện cho người dân khi tham gia thủ tục hành chính không cần mang quá nhiều giấy tờ như trước đây.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Ðề án 06, chắc chắn thời gian tới, người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hưởng thêm nhiều tiện ích từ chuyển đổi số, giúp xã hội tiến tới giai đoạn xã hội số, thông minh, hiện đại, bắt kịp xu thế của thế giới.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/su-dung-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-giup-han-che-toi-da-giay-to-tuy-than-193217.html