Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?

01/07/2022 16:50

Kinhte&Xahoi Bản chất của virus SARS-CoV-2 có sự tiến hóa khôn lường. Đã có nhiều biến thể mới và có thể có nhiều biến thể hơn trong tương lai, thậm chí có thể trở thành biến chủng mới.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm

Tức là virus SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện. Một khi còn chủng virus lưu hành, thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Do đó, điều tốt nhất là phải tiêm phòng vaccine để bảo vệ tất cả.

Trao đổi tại Tọa đàm “Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 1/7, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, với sự tiến hóa khôn lường của virus SARS-CoV-2 như hiện nay, các biện pháp phòng chống lây lan nhanh hoặc các biện pháp hành chính xã hội hoặc thuốc khó có thể đáp ứng được một cách lâu dài. Tuy nhiên, vaccine sẽ tạo miễn dịch cho con người, giúp chúng ta đi lại thoải mái mà vẫn an toàn.

GS.TS Phan Trọng Lân phân tích, với các biến thể phụ hiện nay của Omicron, chúng ta vẫn có khả năng đáp ứng phòng bệnh từ vaccine. Không may mắc bệnh, nhưng bệnh không nặng mặc dù tốc độ lây lan của virus rất nhanh, nếu chúng ta liên tục tiêm vaccine theo chỉ định thì vẫn đáp ứng được khả năng phòng bệnh nặng, tử vong. Tức là chúng ta vẫn vừa mở cửa phát triển kinh tế xã hội, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay.

Đối với tình huống xấu nhất có thể dự báo, đó là những chủng biến thể mới không còn hiệu quả đối với vaccine, virus lây lan nhanh và xuất hiện nhiều ca nặng thì chúng ta phải kết hợp tất cả các biện pháp và kinh nghiệm phòng chống dịch trong thời gian qua, bao gồm cả biện pháp hành chính xã hội để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trên hết, trước hết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể BA.5 đang lây lan nhanh trên thế giới đã xâm nhập vào nước ta. Để phòng bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, vaccine tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại.

Theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc bệnh sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 đến 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vaccine vẫn rất hiệu quả.

TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam

Theo TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp Chính phủ Việt Nam phát hiện sớm các nhóm gene hoặc các biến chủng mới. Các biện pháp đang triển khai thực hiện là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới. Thêm vào đó là vaccine.

“Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5”, TS. Socorro Escalante nhấn mạnh.

 PGS.TS Trần Minh Điển

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với trẻ em, biểu hiện bệnh học khi mắc COVID-19 khác với người lớn. Ở trẻ em, sau khi mắc COVID-19 từ 4-6 tuần có biểu hiện là hội chứng suy đa cơ quan (gọi là MIS-C), tức là tình trạng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận…

Tuy hiện đã có phác đồ điều trị nhưng nếu không chẩn đoán sớm, không phát hiện kịp thời thì ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Điều đáng nói là, phác đồ điều trị này rất tốn kém, có khi cả mấy trăm triệu đồng. Như vậy, nếu trẻ mắc COVID-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị nữa.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, qua tra cứu y văn thấy rằng vaccine không những có tác dụng giúp tránh mắc MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ mắc MIS-C. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như là các cháu chưa tiêm.

“Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc COVID-19”, PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, các vị khách mời đều khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm các mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 (mũi 3, 4) bởi đó là “trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cả cộng đồng”.

TS. Socorro, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta muốn mở cửa càng sớm càng tốt, trẻ con được đến trường, mở cửa du lịch… thì phải sử dụng công cụ để bảo vệ bản thân, bảo vệ những người khác, đó là vaccine.

Còn theo GS.TS. Phan Trọng Lân, “Tiêm vaccine COVID-19 là yêu cầu phòng chống dịch, nên người dân cần đi tiêm phòng. Tiêm phòng là bảo vệ cho bản thân, bảo vệ cho gia đình và cả xã hội, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh, chúng ta giảm bớt lây nhiễm, giảm nhập viện tử vong thì giảm đi gánh nặng cho xã hội”.

PGS.TS. Trần Minh Điển cũng nhắn nhủ các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm tại các cơ sở y tế gần nhất để bảo vệ cho các cháu tránh khỏi mắc COVID-19, tránh khỏi tình trạng bệnh nặng hậu COVID-19 là hội chứng MIS-C để các cháu có thể đi chơi, du lịch và tham gia được các hoạt động cộng đồng nhiều hơn.

 Đoàn Hương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao nhất Quý II trong 10 năm qua

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tai-sao-phai-tiem-mui-3-mui-4-phong-covid-19-trong-boi-canh-hien-nay-200029.html