Công văn của Tổng cục QLTT nêu rõ, theo công văn hoả tốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôm càng đỏ là loài thủy sinh không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loại ngoại lai xâm hại, việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Để tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với tôm càng đỏ, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các địa phương đề nghị tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng này.
Tôm càng đỏ là loài thủy sinh không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam
Tổng cục QLTT yêu cầu cục QLTT các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai chỉ đạo lực lượng thị trường tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở, các địa điểm tập kết thu mua thủy sản tại các tuyến đường vận chuyển trọng điểm và triển khai những biện pháp tích cực để ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển tôm càng đỏ vào thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, cục QLTT cần phối hợp với các lực lượng công an, Thanh tra sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản…kiểm tra chặt chẽ các tổ chức cá nhân kinh doanh mặt hàng tôm càng đỏ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đã có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ tại Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian gần đây có tình trạng tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus, còn gọi là tôm hùm đất) được đưa vào Việt Nam để tiêu thụ làm thực phẩm tại một số địa phương.
Để tránh tác động đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, Bộ Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các trường hợp vi phạm; tuyên truyền phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát triển của loài này ra môi trường tự nhiên... Khi phát hiện có phát tán ra môi trường phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ theo quy định về đa dạng sinh học.
Theo Công Lý/ Pháp luật Plus