Tết Trung thu: Đồ chơi trung thu ‘made in Viet Nam’ ngày càng chiếm ưu thế

13/09/2018 09:47

Kinhte&Xahoi Đồ chơi cho trẻ em dịp Tết trung thu như đèn lồng, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi… được sản xuất trong nước chiếm ưu thế hơn so với đồ chơi nhập từ nước ngoài nhất là từ Trung Quốc.

Còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu 2018, tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm – Hà Nội) - nơi đây được coi là "vương quốc" các loại đồ chơi, đa dạng sắc màu, kích cỡ bán tràn ngập cả dãy phố. Năm nay các loại đồ chơi truyền thống, đồ chơi làm thủ công của Việt Nam chiếm lên ngôi, được người bán ưu tiên bày ở các vị trí dễ nhận thấy, chiếm tỷ lệ đa số.

Dịp này nhiều bậc phụ huynh đã mua đồ chơi Trung thu cho con trẻ. Ảnh Hoàng Dương.

 

Tại cửa hàng của chị Nguyễn Thị Minh Hiếu (Hàng Mã – Hà Nội) những ngày này, khách mua hàng đã bắt đầu tăng mạnh. Theo chị Hiếu cho biết, năm nay cửa hàng có nhiều loại đồ chơi độc đáo về hình dạng, kích cỡ, mầu sắc, âm thanh. Trong số đó, chủ yếu là hàng của Việt Nam sản xuất. Đây cũng là xu hướng đang được người tiêu dùng lựa chọn bởi giờ đây phụ huynh cũng cảnh giác với hàng kém chất lượng, có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Các loại đồ chơi truyền thống vẫn là những sản phẩm bán chạy nhất. Dù rằng, sức mua chưa cao do chưa sát ngày Tết Trung thu nhưng mỗi ngày tôi cũng bán được hơn 300 món đồ chơi, chưa tính bán buôn. Dịp cuối tuần thì bán được nhiều hơn. Bán chạy nhất là mặt nạ bồi với giá 35.000 đồng/chiếc. Tiếp đến là đầu sư tử, dao động từ 60.000 – 200.000 đồng/chiếc. Dù hàng Việt đắt gấp đôi, gấp 3 hàng Trung Quốc nhưng vẫn được chọn mua nhiều”, chị Hiếu cho biết.

Đèn trung thu mini là một trong những món đồ chơi mới lạ của Tết Trung thu năm nay. Ảnh Hoàng Dương.

 

Trong khi đó chị Nguyễn Thị Phương, chủ một cửa hàng bán đồ đồ chơi Trung thu khác cũng thông tin, năm nay hàng Việt được cửa hàng chị nhập chủ yếu là mặt nạ, đầu sư tử, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn cù hay các loại trống.

“Về giá thành so với hàng Trung, hàng Việt đắt hơn. Đèn cù bán giá 15.000 đồng/chiếc đèn cỡ nhỏ. Ngoài ra, còn có những loại cỡ lớn thì giá đắt hơn. Đèn kéo quân cũng vậy. Đắt nhất có lẽ là đầu sư tử, bởi một chiếc đầu sư tử làm bằng giấy bồi rẻ nhất cũng 50.000 đồng và đắt nhất là 800.000 đồng/chiếc”, chị Phương nói.

Ngoài bán đèn, trống thì nhiều cửa hàng cũng bán giấy để các bậc phụ huynh mua về cho con trẻ trải nghiệm việc tự tay làm đèn ông sao.

Ngoài việc bán đồ chơi, nhiều cửa hàng cũng bán các vật liệu để làm đèn ông sao. Ảnh Hoàng Dương.

 

Theo chị Phương tiết lộ, doanh thu từ đầu mùa bán đồ chơi Trung thu đến nay tại cửa hàng chị cao hơn so với năm ngoái.

“Năm ngoái chủ yếu bán hàng Trung Quốc, một chiếc mặt nạ có giá 10.000 đồng nhưng phụ huynh cũng không mấy mặn mà. Năm nay, một chiếc mặt nạ giấy bồi có giá hơn 30.000 đồng đắt gấp 3 nhưng lại bán được rất nhiều. Vậy nên, doanh thu được đẩy lên cao. Càng gần Trung thu doanh thu càng tốt” chị Phương thông tin thêm.

Theo nhiều phụ huynh, Tết Trung thu là Tết truyền thống của người Việt, vậy nên cần chọn mua cho các con những chiếc đèn ông sao, trống để các con hiểu thêm về văn hóa cũng như giữ gìn bản sắc của đồ chơi Việt Nam.

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều thanh niên cũng mua đồ chơi Trung thu sớm. Những chiếc bờm có giá chừng 20.000 đồng được nhiều người chọn mua. Ảnh Hoàng Dương.

Nhiều tiểu thương mua buôn đồ chơi Trung thu về bán cũng tranh thủ lên Hàng mã và đặt số lượng lớn. Ảnh Hoàng Dương.

Nhiều em bé thích thú với chiếc đèn ông sao nhiều màu sắc. Ảnh Hoàng Dương.

Nhiều người làm kinh doanh cũng tranh thủ thời gian này lên Hàng Mã mua những món đồ chơi Trung thu để làm quà tặng, trang trí không gian. Ảnh Hoàng Dương.

Những chiếc đầu sư tử bằng giấy bồi có giá đắt đỏ. Ảnh Hoàng Dương.

Các loại đồ chơi truyền thống đã chiếm lĩnh thị trường. Ảnh Hoàng Dương.

Ngoài đèn ông sao còn có các loại đèn kéo quân, đèn lồng... được bày bán nhiều. Ảnh Hoàng Dương.

Những món đồ chơi nhỏ nhắn mang tính truyền thống với mức giá 3000 - 5000 đồng một chiếc được bán nhiều. Ảnh Hoàng Dương.

 

Theo Vietq/Tạp chí HH&TH HN

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vẫn còn rủi ro trong thanh toán online

Dịch vụ kém, sản phẩm chất lượng thấp, mạng treo, mất tiền... là những bức xúc của khách hàng với một số loại hình thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.