Thanh tra Bộ Xây dựng điểm mặt vi phạm tại Dự án KĐT mới Dương Nội

22/06/2022 12:12

Kinhte&Xahoi Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt vi phạm tại khu đô thị mới Dương Nội do Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội làm chủ đầu tư.

Loạt vi phạm lộ diện

Trong nội dung kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành đã chỉ rõ các tồn tại, vi phạm tại Dự án Khu độ thị mới Dương Nội.

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ, Quy hoạch chi tiết (QHCT) tỷ lệ 1/500 (lần đầu) Khu đô thị mới Dương Nội phê duyệt tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 26/12/2007 có nội dung không phù hợp so với QHCT tỷ lệ 1/2000 Trục đô thị phía Bắc TP Hà Đông (phê duyệt tại Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 14/12/2007 của UBND tỉnh Hà Tây) như:

Nhiều lần điều chỉnh quy hoạch mà không thuyết minh, tính toán sự đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

“Tăng mật độ xây dựng tại lô khách sạn, HH-01, bệnh viện quốc tế; chuyển chức năng lô bệnh viện quốc tế từ “hỗn hợp” sang “bệnh viện”, không có thông tin về dân số của từng lô đất; tăng số tầng cao tại lô đất CT-05 thêm 10 tầng, lô đất CT-06 thêm 11 tầng; tăng mật độ xây dựng thêm 10%, hệ số sử dụng đất thêm 0,3 lần, là điều chỉnh quy hoạch mà không thuyết minh, tính toán sự đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 23 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 1 Điều 11 Luật Xây dựng 2003.”

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ các vi phạm trong điều chỉnh QHCT tỷ lệ 1/500 phê duyệt tại Quyết định số 1955/QĐUBND ngày 21/7/2008.

Cụ thể, điều chỉnh quy hoạch mà không thuyết minh, tính toán hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không nêu lý do điều chỉnh; điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, vi phạm khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng, khoản 1 Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP.

Trong đó, lô đất khách sạn hệ số sử dụng đất tăng thêm 1,5 lần, tầng cao trung bình tăng thêm 05 tầng (từ 20 tầng lên 25 tầng).

Lô đất HH-01: Diện tích xây dựng tăng thêm 352 m2, mật độ xây dựng tăng thêm 5%, hệ số sử dụng đất tăng thêm 2,75 lần, tầng cao TB tăng thêm 05 tầng (từ 20 tầng thành 25 tầng).

Lô đất bệnh viện quốc tế, tầng cao trung bình giảm 04 tầng (từ 19 tầng xuống 15 tầng).

Số lượng biệt thự, liền kề tại Quyết định phê duyệt điều chỉnh QHCT không đúng với bản vẽ đóng dấu thẩm định trước đó.

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ, số lượng biệt thự, liền kề tại Quyết định phê duyệt điều chỉnh QHCT không đúng với bản vẽ đóng dấu thẩm định của Sở Xây dựng Hà Tây; UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 5493/UBND-QHXDGT cho phép thực hiện theo bản vẽ là chưa đảm bảo quy định về điều chỉnh quy hoạch.

“Những tồn tại, vi phạm trên, trách nhiệm thuộc Sở Xây dựng Hà Tây, UBND tỉnh Hà Tây, UBND TP Hà Nội, Công ty TNHH Archipel Việt Nam và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Thành Nam, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội”, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo sở, ngành chức năng rà soát toàn bộ đồ án để khắc phục các tồn tại, trong đó có các tồn tại nêu trên.

Chủ đầu tư đã xây dựng 01 công trình cổng chào cao 13,1 m kết hợp nhà bảo vệ 01 tầng tại khu vực đường giao thông

Cổng chào, nhà bảo vệ xây trên đường giao thông

Về quản lý xây dựng theo QHCT, bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc được duyệt, giấy phép xây dựng, theo Báo cáo số 277/BC-UBND ngày 19/6/2020 của UBND quận Hà Đông, Báo cáo số 108/BC-QLTTXDĐT ngày 17/6/2020 của Đội QLTTXD quận Hà Đông, tại 03 lô đất khách sạn, HH-01, bệnh viện quốc tế, Chủ đầu tư đã xây dựng: 01 Công trình hỗn hợp - Nhà ở tại lô đất HH-01, tầng cao 25 tầng, tổng số 551 căn hộ, dân số khoảng 1.600 người, khởi công năm 2012, hoàn thành năm 2018.

02 công trình hỗn hợp nhà ở tại lô đất khách sạn, tầng cao 25 tầng; tổng số 593 căn hộ; dân số khoảng 1.702 người, khởi công năm 2012, hoàn thành năm 2020.

03 công trình trụ sở thuộc lô đất khách sạn, tầng cao 27 tầng, khởi công năm 2008, hoàn thành năm 2010.

Về công trình cổng chào, chủ đầu tư đã xây dựng 01 công trình cổng chào cao 13,1 m kết hợp nhà bảo vệ 01 tầng tại khu vực đường giao thông giữa công trình Nhà ở (thuộc lô khách sạn) và công trình hỗn hợp – nhà ở HH01 không đúng điều chỉnh QHCT được duyệt (là đường giao thông, không xây dựng công trình), đã được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2009.

Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư báo cáo UBND TP Hà Nội để kiểm tra, rà soát tổng thể toàn bộ đồ án, điều chỉnh QHCT trong đó có các nội dung liên quan đến 02 công trình nêu trên.

Công ty CP Tập đoàn Nam Cường là chủ đầu tư của dự án.

Ngoài ra, Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng.

Theo báo cáo của Chủ đầu tư, hạ tầng kỹ thuật đã thi công đạt 95% khối lượng; đã thi công xong và đưa vào sử dụng trường tiểu học tại (ô TH01), trung học cơ sở (ô TH05), mẫu giáo (MG01), Nhà văn hóa (NVH-01).

06 công trình đang hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng theo mô hình xã hội hóa gồm: Trường mẫu giáo (ô MG02, MG03); trường tiểu học (ô TH02, TH03); trường tiểu học, trung học (ô đất TH04). Công trình bệnh viện quốc tế (ô BVQT) chưa triển khai thi công.

Trong khi đó, ngày 03/3/2021, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 622/UBND-KH&ĐT chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian thực hiện dự án Khu đô thị mới Dương Nội.

Ngày 24/8/2021, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4008/QĐ-UBND, chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án Bệnh viện Quốc tế Nam Cường đến Quý IV/2023.

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu Chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện theo tiến độ dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tập trung hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công cộng, bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công cộng tại dự án.


Công ty CP Tập đoàn Nam Cường tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy, được thành lập từ năm 1984. Công ty CP Tập đoàn Nam Cường được coi như một doanh nghiệp quy mộ lớn trong giới phát triển bất động sản, từng có vốn điều lệ đạt 4.500 tỷ đồng vào năm 2016.

Trong 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Nam Cường đều đi thụt lùi. Năm 2020, doanh thu thuần của Tập đoàn Nam Cường chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi ròng tụt dốc xuống mức -5,5 tỷ đồng, so mới mức lợi nhuận năm 2019 là 28,6 tỷ đồng.

Những con số kể trên không chỉ thấp so với những năm trước mà ngày càng nhỏ đi nếu so với quy mô của tập đoàn này. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Tập đoàn Nam Cường đạt hơn 6.403 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 5.039 tỷ đồng.
 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Lê Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gỡ vướng trong thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%

Ngày 20/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/thanh-tra-bo-xay-dung-diem-mat-vi-pham-tai-du-an-kdt-moi-duong-noi-d184134.html