Trước đây mỗi ngày nhập cả 100m3 xăng dầu thì nay chỉ nhập được 4-5m3. Thay vì được chiết khấu 1.000-1.200 đồng/lít, thậm chí lên đến 1.700 đồng/lít thì nay chỉ còn 100-200 đồng/lít. Có ngày cả xe đi nhập về chưa được 1m3 xăng, đặc biệt là khan hiếm nguồn xăng A95… Đó là bức tranh thị trường xăng dầu sau kỳ điều chỉnh “xả quỹ kỷ lục” vừa rồi của Liên bộ Công Thương - Tài chính.
Kinh doanh xăng dầu trở nên khó khăn sau kỳ điều hành giá mới nhất.
Phập phù nguồn cung xăng A95
Từ cuối năm 2018, nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu đã chóng mặt vì thị trường xăng dầu rớt giá trầm trọng, tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh cuối cùng của DN. Đến đầu năm 2019, thị trường xăng dầu tăng giá, DN xăng dầu vẫn… chóng mặt, chấp nhận lỗ vì bị ảnh hưởng bởi cách điều hành giá của Liên bộ Công Thương - Tài chính.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, thuế bảo vệ môi trường cũng tăng nhưng vẫn điều hành giá giảm hoặc giữ ổn định, trong khi lại tăng xả quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).
Bà Nguyễn Thị Dậu, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Thương mại Vĩnh Phúc cũng cho rằng, nhà nước điều chỉnh giá làm sao cho phù hợp với tiêu dùng của người dân là đúng đắn nhưng cũng phải đảm bảo cho DN có nguồn hàng để bán. “Vừa điều chỉnh giá xong là DN nhập khẩu không có hàng để bán. Đã thế mức chiết khấu chỉ còn 100-200 đồng/lít mà nhập từ Hải Phòng về thì chúng tôi quá vất vả, trong khi trước đây chiết khấu được 1.000-1.200/lít, thậm chí lên đến 1.700 đồng/lít” - bà Dậu nói.
Chưa hết, theo bà Dậu, không những “bóp nghẹt” thương nhân phân phối khi “chỉ cho” 100-200 đồng/lít mà còn xảy ra tình trạng khan xăng A95 để bán. Trong khi các cửa hàng bán lẻ lại phải bán đủ các mặt hàng, nếu treo biển hết hàng sẽ bị phạt. Dù Bộ Công Thương khẳng định đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường nhưng mới đây, trao đổi với PV Báo PLVN, vẫn có đầu mối phàn nàn về việc “không có nguồn hàng sau điều hành giá”. Thậm chí, đã xuất hiện hiện tượng hết xăng A95 cục bộ ở một số địa phương, một số cây xăng ở Hà Nội.
Không chỉ trường hợp bà Dậu mà nhiều thương nhân khác cũng đang phải nhốn nháo tìm đầu mối nào có nguồn xăng A95 để lấy hàng dù đợt này, càng bán càng lỗ bởi các chi phí khác như thuê mặt bằng, chi phí nhân viên đều không giảm...
“Hiện tượng hạn chế bán cho các đầu mối đã xảy ra trong 2 kỳ điều chỉnh gần đây” - bà Dậu nói và cho biết, trước tháng 3, mỗi ngày DN của bà nhập 100m3 ở đầu mối Hải Phòng rồi phân phối, bán ở 30 của hàng trên nhiều tỉnh phía Bắc nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ mua được 4-5 m3 xăng dầu, buộc bà phải chia nhỏ ra để đảm bảo chia đủ cho các điểm bán.
Tuy nhiên, tại các cửa hàng bán lẻ của Công ty ở Vĩnh Phúc đã có hiện tượng lúc bán hàng, lúc đóng cửa. Và Công ty cũng chỉ cố gắng phục vụ đủ cho 8 cửa hàng bán lẻ tại Vĩnh Phúc, còn cửa hàng tại các tỉnh khác thì tạm thời không phân phối được.
Méo mó… thị trường?
Theo thống kê, năm 2018, Quỹ BOG xả cao nhất vào kỳ điều hành thứ hai của tháng 9, ở mức 1.563 đồng/lít đối với xăng E5; 960 đồng/lít đối với xăng A95. Thời điểm đó, giá bình quân xăng dầu thế giới là 86,823 USD/thùng cho xăng A92 (dùng để pha chế xăng E5); 88,814 USD/thùng cho xăng A95.
Từ đầu năm 2019, Quỹ BOG đã liên tục được xả ở mức cao khi tăng dần mức xả quỹ. Kỷ lục xả Quỹ BOG tính đến thời điểm này (và cũng là kỳ xả Quỹ BOG cao nhất kể từ khi tiến hành điều hành giá xăng dầu cho đến nay) là vào kỳ điều hành mới nhất với mức 2.801 đồng/lít cho xăng E5; 2.061 đồng/lít cho xăng A95. Vào kỳ này, giá xăng dầu bình quân trên thế giới ở mức 71,307 đồng/lít xăng A92; 72,925 đồng/lít xăng A95.
Đại diện một đầu mối phân phối xăng dầu khẳng định, điều hành giá xăng dầu bằng Quỹ BOG đã làm méo mó thị trường xăng dầu Việt Nam và làm khổ các DN kinh doanh xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới cao kỷ lục thì chỉ xả Quỹ BOG ở mức “vừa vừa” nhưng khi xăng dầu thế giới hạ xuống mức thấp hơn hẳn thì lại chi xả quỹ mức kỷ lục, cao chót vót. Tất nhiên, kèm theo các kiểu xả quỹ này là việc giảm giá xăng dầu bán lẻ, từ 20.231 đồng/lít xăng E5 (tháng 9/2018) xuống còn 17.211 đồng/lít (tháng 3/2019); A95 thì giảm từ 21.770 xuống còn 18.549 đồng/lít nhưng lại gây ra rất nhiều hệ lụy mà hiện nay nhiều DN lĩnh đủ.
Hiện nay, thông tin từ 2 đầu mối phân phối xăng dầu phía nam cho biết, Quỹ BOG của họ đã âm và chưa biết sẽ được tháo gỡ bằng cách nào. Còn thống kê Quỹ BOG của “anh cả” ngành xăng dầu Petrolimex cho thấy, ngày 2/3/2019 Tập đoàn này còn 1.210 tỷ đồng. Sau kỳ điều hành giá lần đầu của tháng 3 (tăng xả quỹ cho tất cả các mặt hàng với mức cao, lên đến 2.000 đồng/lít thì đến trước kỳ điều hành lần 2 của tháng 3, Quỹ BOG của Petrolimex chỉ còn 650 tỷ đồng. Sau kỳ điều hành này, với mức tăng xả quỹ cho tất cả các mặt hàng ở mức rất cao, lên đến 2.801 đồng/lít thì chắc chắn, đến kỳ điều hành sau, Quỹ BOG của Petrolimex nhiều khả năng cũng về… âm.
Theo Phapluatplus.vn