Thiêu thân trên sàn ảo

21/05/2021 10:21

Kinhte&Xahoi Những chiêu trò lừa đảo qua mạng internet không mới, song số lượng nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng gia tăng khiến bao gia đình tán gia bại sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống Nhân dân, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.Thực tế, 15 năm qua, rất nhiều công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…

Thực tế, 15 năm qua, rất nhiều công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…

 Ảnh minh họa

Đầu tư forex, đa cấp, tiền ảo đang hoành hành, phức tạp, biến tướng với “mác” công nghệ 4.0. Rất nhiều mô hình mới xuất hiện, pha trộn giữa forex, tiền ảo và hình thức đầu tư đa cấp. Kết quả khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của trang Statista năm 2020 bất ngờ cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai về mức độ phổ biến tiền ảo. Tại Việt Nam, nhiều diễn đàn, nhóm kín về tiền ảo với hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn người tham gia ngày càng nhiều.
Dù hình thức khác nhau nhưng thủ đoạn của các đối tượng khá giống nhau: Lợi dụng sự cả tin của người dân, các công ty này vẽ ra viễn cảnh làm giàu bằng cách tổ chức hội thảo giới thiệu quy mô về cách thức kinh doanh mới, lôi kéo người tham gia nộp tiền vào hệ thống trên các sàn điện tử để hưởng lãi suất cao.
Thực chất, các công ty này không hoạt động kinh doanh, chỉ lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, từ đó chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn. Theo các chuyên gia, 99% nhà đầu tư trên thị trường forex thua lỗ, ngay cả với nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trên thị trường đầu cơ tài chính. Danh sách các nạn nhận dính bẫy sàn tài chính đa cấp vẫn ngày một nối dài một phần do hành lang pháp lý còn quá nhiều lỗ hổng.
Vì sao các cơ quan chức năng không ngăn chặn ngay từ đầu hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng mà đợi đến khi có hậu quả xảy ra mới xử lý? Các công ty này khi tiến hành hoạt động đều tổ chức hội thảo giới thiệu rất quy mô và hoạt động kéo dài từ năm này qua năm khác. Về mặt pháp lý, có đủ cơ sở để xử lý hành chính hoặc hình sự các hoạt động này. Đơn cử nhất là hiện tượng các nghệ sĩ xóa bài đăng tiền ảo đa cấp, phải điều tra làm rõ để xử phạt chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 21 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh đa cấp chưa được cấp phép hoặc kinh doanh theo hình thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100 - 200 triệu đồng, hoặc có thể bị xử lý hình sự mà mức phạt lên tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (quy định tại Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Cần mạnh tay truy bắt, khởi tố những tổ chức kinh doanh hàng đa cấp theo hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn hiệu quả các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, không chỉ cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng mà còn cần đến vai trò rất lớn của quần chúng Nhân dân. Người dân hãy tỉnh táo trước các lời mời chào hứa hẹn, biết bảo vệ tài sản của mình, đề cao cảnh giác, tiết chế lòng tham ... đồng thời chủ động tố giác tội phạm với cơ quan chức năng để xử lý.

 Thảo Nguyên- Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/thieu-than-tren-san-ao-420293.html