Trụ sở chính Agribank
Giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về nội dung tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tăng vốn cho Agribank cũng như là các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối rất là cần thiết.
Theo bà Hồng, so với các nước, tiềm lực vốn của các ngân hàng Việt Nam cũng thấp. Hơn nữa, những năm vừa qua, các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước tăng vốn điều lệ khá mạnh mẽ nhưng với các ngân hàng thương mại Nhà nước có cổ phần chi phối thì tăng lên khiêm tốn.
Do đó, cũng cần đặt ra vấn đề tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có cổ phần Nhà nước để nuôi dưỡng nguồn thu.
Bà Hồng cho rằng, đối với Agribank, đây là ngân hàng 100% vốn của Nhà nước, theo quy định hiện hành về ngân sách Nhà nước thì đây thuộc dự toán thu chi ngân sách, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, cho nên đưa vào là đề xuất. Còn các ngân hàng khác sẽ thuộc thẩm quyền Chính phủ.
"Nếu dưới 10.000 tỷ đồng thì trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tổ chức triển khai hiệu quả theo đúng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội", Thống đốc cho biết.
Trước đó, trong báo cáo Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị cho phép bố trí ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Agribank trong giai đoạn 2021-2023.
Việc tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ sẽ được Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và quy định.
Trong năm ngoái, sau khi được Chính phủ thông qua phương án cấp bổ sung vốn, vốn điều lệ của Agribank đã được bổ sung thêm 3.500 tỷ đồng lên mức 34.233 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngưỡng vốn điều lệ này của Agribank vẫn ở mức thấp so với các "Big4" còn lại (đều đã được duyệt tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong năm 2021) và nhiều ngân hàng cổ phần khác.
Vừa qua, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 được tổ chức chiều 29/12/2021, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, việc tăng vốn điều lệ là rất bức thiết với ngân hàng và đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm duyệt bổ sung vốn điều lệ.
Ông Ấn lấy dẫn chứng có những ngân hàng thương mại cổ phần có tổng dư nợ chỉ bằng 1/4 của Agribank nhưng vốn điều lệ lại cao hơn cả nhà băng này. Vốn điều lệ tăng không tương xứng với tăng trưởng tài sản và cho vay sẽ ảnh hưởng tới hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng.
Do đó, ông Ấn kỳ vọng việc tăng vốn sẽ được thực hiện trong năm 2022 trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tới đây, điều đó sẽ rất có lợi cho việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn của Agribank.
Được biết, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Agribank đạt 1,68 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng; Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng "tam nông" tại Việt Nam.
Theo ông Ấn, lợi nhuận năm 2021 của Agribank đạt hơn 14.000 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định. Trước đó, trong năm 2020, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 13.200 tỷ đồng, riêng lẻ là hơn 12.900 tỷ đồng.
Hậu Lộc - TTTĐ