Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về cho vay bất động sản và Nghị quyết 42

08/06/2022 19:31

Kinhte&Xahoi Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện tiếp tục xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn có thể gia tăng bởi các khoản vay phát sinh.

Chiều 8/6, chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, tại Báo cáo số 174 ngày 11/5/2022 của Chính phủ đã đề cập nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn (Ảnh: QH)

Do đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nếu được Quốc hội thông qua cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42 thì chúng ta có xử lý nợ xấu được dứt điểm hay không và có giải quyết được triệt để các vấn đề vướng mắc, hạn chế đang diễn ra để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết hay không?

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 42 cho phép người cho vay thu giữ tài sản đảm bảo, bán nợ xấu hoặc tài sản đảm bảo có thể cao hơn thấp hơn giá trị. Đây là điểm quan trọng giúp cho xử lý nợ xấu.

Theo Thống đốc, trong số 541.000 tỷ đồng thì có tới 380.000 tỷ đồng là tự xử lý được. Dù còn khó khăn vướng mắc nhưng nếu kéo dài Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện tiếp tục xử lý nợ xấu.

Bà Hồng cũng lưu ý đây chỉ là những khoản nợ theo phạm vi Nghị quyết 42. Thực tế, có những khoản vay sau phát sinh nợ xấu, nhất là khi nền khi kinh tế chịu ảnh hưởng đại dịch, nhiều khoản vay được cơ cấu thì có thể dẫn tới nợ xấu gia tăng.

Trước đó, trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng; Cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình giai đoạn 2012 - 2017, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng).

Theo báo cáo, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý (trung bình giai đoạn 2012-2017 chỉ khoảng 22,8%). Trong đó, riêng năm 2021 xử lý được 48,3 nghìn tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá, dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nguy cơ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Do đó, để chủ động và giảm áp lực nợ xấu trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; Nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Cùng với đó, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tạo cơ sở để đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu hiệu quả; Phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy định tại Nghị quyết 42 trên thực tế nếu được Quốc hội thông qua gia hạn thời gian áp dụng Nghị quyết.

Trở lại với phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho biết, thị trường bất động sản đã, đang và dự báo có thể sẽ tiếp tục biến động; Tình trạng nhà đầu tư đầu cơ đẩy giá đất lên cao bất thường trong cuộc đấu giá gây sốt ảo bất động sản, bong bóng giá nhà đất, làm lũng đoạn thị trường.

Hiện dòng tiền đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cho vay kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Trước thực trạng trên, đại biểu Hà đề nghị Thống đốc chỉ rõ những công cụ, biện pháp toàn diện, mạnh mẽ hơn để quản lý, kiểm soát có hiệu quả hơn nguồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản.

Cùng nội dung này, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cũng đặt vấn đề, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn.

Trong khi đó, mục đích quản lý của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Do đó, đại biểu Vân đề nghị Thống đốc chỉ rõ các giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng bất động sản là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn. Bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này không can thiệp việc cho vay bất động sản. Đó là việc các ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận nhưng trên nguyên tắc đảm bảo an toàn.

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-noi-ve-cho-vay-bat-dong-san-va-nghi-quyet-42-198361.html