Thu ngân sách nhà nước vào chặng “nước rút”

11/11/2023 10:40

Kinhte&Xahoi Tổng thu ngân sách nhà nước trong 10 tháng năm 2023 đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán. Để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm nay, nhiệm vụ trong 2 tháng còn lại là rất nặng nề. Vì vậy, ngành Thuế và Hải quan đang ráo riết tập trung vào chặng “nước rút” với nhiều giải pháp.

Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm

Khoản thu trụ cột đều giảm

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 10-2023 đạt 169,5 nghìn tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt 145,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 73 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng liền trước, chủ yếu do một số khoản thu phát sinh trong quý III theo chế độ kê khai nộp ngân sách nhà nước trong quý IV (như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh, thu cổ tức, lợi nhuận...). Nếu loại trừ các khoản thu phát sinh theo quý này thì thu nội địa tháng 10 chỉ đạt 6,2% dự toán.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 88,9% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 83,3% dự toán).

Điều đáng nói, cả 3 khoản thu trụ cột đều sụt giảm. Cụ thể, trong số trên, thu nội địa đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô đạt khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, bằng 122,3% dự toán, giảm 19,8%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 188,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán, giảm 21,9%, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 300,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán, giảm 17,2%; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 111,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán.

Riêng các khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước), chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa, đạt 85,5% dự toán, giảm 2,9% so cùng kỳ năm trước. Không kể thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm gần 45,2% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh đạt khá so dự toán do doanh nghiệp đã tạm nộp 5/5 kỳ theo quy định), số thu của 3 khu vực này chỉ bằng 92,7% cùng kỳ năm 2022.

Về số thu trên địa bàn, có 24 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng đạt trên 86% dự toán; 7 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ năm trước, song có tới 56 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách 10 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Tài chính, do hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản chậm phục hồi, kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí tiền thuê đất làm giảm thu ngân sách. Chưa kể, một số mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, như nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất…

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, kết quả thu ngân sách trên cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn, bên cạnh đó tăng trưởng từ tiêu dùng của dân cư chưa được như kỳ vọng.

Lập tổ công tác đôn đốc thu thuế

Năm 2023, dự toán thu ngân sách là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, cả nước cần phải thu khoảng 222.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước được giao.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, trong 2 tháng còn lại của năm 2023, ngành Thuế phải nỗ lực thu hơn 211 nghìn tỷ đồng, tức trung bình mỗi tháng thu khoảng 105 nghìn tỷ đồng, bằng 130% so với trung bình 10 tháng năm 2023. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã thành lập tổ công tác đôn đốc thu thuế và thu hồi nợ đọng. Trong tháng 11 và 12, toàn ngành sẽ tập trung hết sức vào thu ngân sách, tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế.

Cùng với đó, ngành Thuế phân tích tác động từ chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước…

Còn Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay, từ nay đến cuối năm 2023, ngành Hải quan tiếp tục vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa triển khai các giải pháp chống thất thu, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu thu ngân sách nhà nước đã đề ra.

Tại cuộc họp giao ban triển khai công tác tháng 11-2023 do Bộ Tài chính tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Chính phủ đánh giá, tăng trưởng kinh tế và “sức khỏe” của doanh nghiệp đã có sự phục hồi, tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước chưa có nhiều diễn biến tích cực, tình hình thu ngân sách vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Do đó, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cần tập trung, nỗ lực trong công tác quản lý thu, phấn đấu thu đạt cao nhất dự toán đã báo cáo Quốc hội.

 Hương Thủy - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/thu-ngan-sach-nha-nuoc-vao-chang-nuoc-rut-647643.html