Thủ tướng: Việt Nam sẽ trở thành cầu nối hàng hóa EU tiếp cận ASEAN

18/10/2018 08:44

Kinhte&Xahoi Trong chương trình chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, thăm và làm việc tại Liên minh Châu Âu (EU), sáng 17/10 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Brussels, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU-Bỉ.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp có tiếng nói để EU đẩy nhanh tiến trình kí chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU -  Việt Nam (EVFTA). Nhấn mạnh Hiệp định này sẽ mang lại hi vọng, mở ra một cánh cửa mới cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu, đồng thời gia tăng kim ngạch thương mại một cách công bằng và thuận lợi cho cả Việt Nam và các nước EU, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hiệp định cũng sẽ đưa Việt Nam trở thành cầu nối để hàng hóa của EU tiếp cận thị trường ASEAN. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng-Chủ tịch vùng Flanders Geert Bourgeois chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa chính quyền vùng Flanders và Chính phủ Việt Nam.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với hệ thống cảng biển lớn, các doanh nghiệp Bỉ và EU nên tận dụng hết cơ hội này để trở thành nơi trung chuyển hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu. Bên cạnh Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Quốc hội Việt Nam đang chuẩn bị xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)  với 11 thành viên, cùng với đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN với 6 đối tác đang trong quá trình đàm phán. Vì vậy, các doanh nghiệp Bỉ và EU hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam là gần như tiếp cận được với thị trường toàn cầu với nhiều nền kinh tế lớn. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới nỗ lực của Chính phủ liêm chính và kiến tạo đang tích cực cắt giảm các thủ tục phiền hà để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng liên kết phát triển. Trên tinh thần đó Thủ tướng kỳ vọng các doanh nghiệp 2 bên sẽ lập nên kỳ tích mới trong hợp tác thương mại và đầu tư. Tại Diễn đàn, Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác giữa các hiệp hội, doanh nghiệp 2 nước. 

•Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bỉ, sáng 17/10, (giờ địa phương), tại thủ đô Brussels, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng - Chủ tịch vùng Flanders Geert Bourgeois. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và vùng Flanders đã và đang có nhiều bước phát triển tích cực và năng động. Vùng Flanders đang có nhiều dự án triển khai hiệu quả ở Việt Nam trong các lĩnh vực cảng biển, hậu cầu cảng biển, năng lượng tái tạo, khai khoáng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của quan hệ hợp tác đa dạng giữa Việt Nam và Bỉ.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Geert Bourrgeois cùng chính quyền vùng Flanders tạo điều kiện cho việc kết nối hợp tác đầu tư giữa các đối tác hai bên nhằm khai thác thế mạnh và tiềm năng của cả Flanders và các địa phương của Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay, phát huy vai trò cầu nối của Flanders cho hàng hóa Việt Nam vươn tới thị trường châu Âu và các thị trường khác.

Bộ trưởng - Chủ tịch vùng Flanders Geert Bourrgeois khẳng định chuyến thăm chính thức Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo mốc phát triển mới cho quan hệ Việt Nam - Bỉ nói chung và Việt Nam - Flanders nói riêng, khẳng định Việt Nam là đối tác hàng đầu của Flanders tại khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Geert Bourrgeois nhấn mạnh vùng Flanders mong muốn đưa quan hệ hợp tác với Việt Nam phát triển sâu rộng hơn nữa, tăng gấp đôi kim ngạch thương mại giữa hai bên, nỗ lực tạo những bước phát triển mới về hợp tác nghiên cứu, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải giữa hai bên. Theo  Bộ trưởng Geert Bourrgeois, Flanders ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn EVFTA, coi đây là cơ hội lớn cho việc phát triển thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU cũng như giữa Việt Nam với vùng Flanders.

Cùng ngày, trong chương trình thăm và làm việc tại EU, sáng 17/10 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Brussels, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Antonio Tajani.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.

Nở rộ cho vay online biến tướng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen.