Thủ tướng: Vụ AVG gây tổn hại lớn nhưng Bộ TT-TT “vấp mà không được ngã”

16/01/2019 09:32

Kinhte&Xahoi “AVG là vụ việc rất nặng nề, gây tổn hại lớn, làm chậm đi sự phát triển của ngành thông tin – truyền thông, làm mất nhiều cán bộ. Bộ TT-TT cần coi đây là bài học lớn để vươn lên, nghĩa là vấp mà không được ngã” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu yêu cầu với Bộ TT-TT.

Thủ tướng nêu vấn đề đó khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT-TT chiều ngày 15/1/2019.

Khẳng định nhiều lần con đường lên, đi nhanh của Việt Nam phải là công nghệ, là ở các doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ sự ấn tượng với thông điệp về sáng tạo, khát vọng Việt Nam mà Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra tại hội nghị.

Thủ tướng mong những người làm công nghệ, làm trong lĩnh vực thông tin, truyền thông phải làm với tinh thần “khát vọng Việt Nam”, cần thể hiện ý chí, khát vọng cao hơn, như tinh thần của hãng điện thoại Huawei đã thể hiện.

“Tôi rất mong có một Bộ TT-TT mới mẻ, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của Việt Nam. Tôi cũng đánh giá cao Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sau khi nhận nhiệm vụ đã cùng đội ngũ lãnh đạo Bộ đoàn kết, quyết tâm, đổi mới. Anh Hùng có những phát biểu ở một số diễn đàn khởi nghiệp vừa qua được đánh giá cao vì đúng với nguyện vọng, mong muốn chung của xã hội hiện nay” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng tặng quà để chúc một năm mới bình an tới Bộ TT-TT.

 

Ghi nhận những kết quả tích cực mang lại nhưng Thủ tướng cũng lưu ý về nhiều tồn tại, hạn chế của ngành.

Thủ tướng đề cập tới bối cảnh Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhậm chức: ‘“AVG là vụ việc rất nặng nề, gây tổn hại lớn, làm chậm đi sự phát triển của ngành thông tin – truyền thông, làm mất nhiều cán bộ. Bộ TT-TT cần coi đây là bài học lớn để vươn lên, nghĩa là vấp mà không được ngã”.

Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ rõ, nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ tăng trưởng thấp, thậm chí có lĩnh vực tụt hạng, xuống dưới hạng 100 thế giới, như lĩnh vực công nghiệp ICT. Theo Thủ tướng, công nghiệp ICT đáng ra phải là đầu tàu của cả nước nhưng những năm qua lại tụt hạng nhiều, kéo chỉ số đo sự sẵn sàng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của Việt Nam xuống thấp. Thủ tướng lưu ý, trách nhiệm của Bộ TT-TT chính ở điểm này.

Thực tế, vai trò của Sở TT-TT ở nhiều địa phương vẫn mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều cho địa phương ngoài việc góp phần quản lý báo chí trên địa bàn. Tuy nhiên, với thông tin một số địa phương “giải tán” Sở TT-TT, Thủ tướng yêu cầu chưa tiến hành đưa Sở này về cơ quan nào khi chưa có quyết định của Thủ tướng.

Điểm hạn chế khác được người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở là vấn đề kiểm soát mạng xã hội còn nhiều bất cập, bất ổn. Ngoài ra, hoạt động báo chí, bên cạnh những thông tin tốt thì cũng có nhiều biểu hiện thể hiện sự sa đà vào tiền bạc, phe nhóm, dìm hàng, gây một số vụ việc không tốt đẹp về hình ảnh, đạo đức người làm báo. Thủ tướng đồng ý đề xuất về mô hình trung tâm tổ hợp báo chí nhà nước để huy động sức mạnh tham gia đấu tranh trên mặt trận mạng xã hội.

Việt Nam là nước có lộ lọt thông tin nhiều nhất thế giới

Tán thành với phương hướng điều hành trong năm 2019 của Bộ TT-TT, Thủ tướng nhận định, những mục tiêu đề ra thể hiện tinh thần trách nhiệm, thậm chí là tham vọng của ngành. Với những nhiệm vụ nặng nề đó, Thủ tướng cũng nêu những định hướng lớn, là “đơn đặt hàng” của Chính phủ với Bộ.

Trước hết, Bộ phải đưa Việt Nam đạt thứ hạng cao về ICT, làm cơ sở, nền tảng cho kinh tế số, bù lại cho những bước tụt hạng vừa qua. Bộ cũng phải khơi dậy phong trào khởi nghiệp công nghệ, phát triển DN công nghệ của Việt Nam, dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề của Việt Nam.

“Tôi yêu cầu Bộ phải đề xuất chính sách tạo an toàn cho những khởi nghiệp công nghệ. Hiện nay không biết thể chế của ta thế nào mà các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt lại chạy sang Singapore để làm” – Thủ tướng dẫn chứng cụ thể.

Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý Bộ TT-TT cần đặc biệt quan tâm để nâng cao thứ hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử. Năm 2020, xếp hạng về Chính phủ điện tử của Việt Nam phải tăng ít nhất 15 bậc so với 2018. Thủ tướng cho biết, vừa qua, Văn phòng Chính phủ rất chủ động trong việc này nhưng Bộ TT-TT phải là chủ công khi xây dựng Chính phủ điện tử.

Lĩnh vực an ninh mạng, Thủ tướng giao chỉ tiêu Việt Nam phải trở thành một cường quốc về an ninh mạng, khắc phục tình trạng nguy hiểm, nghiêm trọng hiện nay.

“Việt Nam hiện là một nước lạc hậu, lộ lọt thông tin hàng đầu hiện nay, như Phó Thủ tướng Nga nói. Thời gian tới, nhất quyết không được để mạng của các cơ quan nhà nước bị tấn công và lấy cắp thông tin. Ngành thông tin, tuyền thông cần chủ động cảnh báo và chủ động đối phó hơn với những nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng mong muốn thúc đẩy phát triển được những mạng xã hội “nội địa” thu hút người dùng tại Việt Nam giống như Facebook. Lãnh đạo Chính phủ cũng ủng hộ quy chế tham gia mạng xã hội ban hành cho nhiều nhóm đối tượng người dùng với nguyên tắc tham gia chính danh nhằm loại bỏ việc đưa tin sai, tin vu khống, xuyên tạc...

 

Theo Dân trí/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM