Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

15/01/2024 09:49

Kinhte&Xahoi Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Dù đạt kết quả tích cực, song qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh từ các quỹ chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp; một số khoản vay được ưu đãi song số tiền cho vay chưa đủ lớn, chưa tạo sức hấp dẫn… cần giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội khảo sát dự án xử lý nước thải Yên Xá.

Những chính sách hỗ trợ thiết thực

Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch Covid-19, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 thông qua chủ trương ban hành Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” và quy định một số chính sách, nội dung, mức chi hỗ trợ doanh nghiệp; UBND thành phố ban hành Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29-12-2020 phê duyệt đề án trên; các sở, ngành cũng triển khai nhiều hoạt động kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp…

Từ đó, việc triển khai các chính sách tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đã đạt một số kết quả tích cực. Cụ thể, việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, chỉ tính đến tháng 10-2023, doanh số hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đạt 36.577,4 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 14.105,8 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để các doanh nghiệp dễ tiếp cận; tổng dư nợ trên 3,26 triệu tỷ đồng, tăng 10,85% (cùng kỳ tăng 11,2%, mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2023 là 14%). Ngoài ra, thành phố đang tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…

Cùng với đó, các giải pháp hỗ trợ chung và theo cơ chế của thành phố được triển khai khá hiệu quả, như: Hỗ trợ phát triển nhân lực; hỗ trợ chuyển đổi số cho hơn 30.405 doanh nghiệp thành lập mới; khuyến khích, tổ chức đào tạo cho 10.440 học viên về khởi sự kinh doanh… Công tác hỗ trợ đào tạo nghề đạt nhiều kết quả tích cực cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng nhân sự.

Vẫn còn vướng mắc

Bên cạnh kết quả đạt được, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga cho biết, thông qua giám sát vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tăng thấp so với mức tăng cùng thời điểm năm 2022 và mục tiêu đề ra; việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ chưa đạt được kết quả như mong muốn, doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận với chính sách.

Kết quả khảo sát cho thấy, 79,44% doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, 58,72% doanh nghiệp cho biết bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi, 58,63% doanh nghiệp cho biết thủ tục vay vốn quá phức tạp...

Việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh từ các quỹ cũng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia; công tác cho vay đầu tư từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố chưa đạt kết quả cao (từ năm 2021 đến nay mới giải quyết cho vay được 4 doanh nghiệp, tổng vốn khoảng 243,4 tỷ đồng); hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện dừng thực hiện do doanh nghiệp không có nhu cầu. Trong khi đó, một số khoản vay được ưu đãi song số tiền cho vay chưa đủ lớn (như vay để thực hiện sản xuất, kinh doanh tối đa 2 tỷ đồng/dự án) nên chưa tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp. Chưa kể, còn những rào cản trong gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch…

Về nguyên nhân, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhận định, công tác triển khai một số chính sách của trung ương và thành phố đến với doanh nghiệp cần nhiều khâu; quy trình, thủ tục tổ chức thực hiện cần bảo đảm chặt chẽ, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và có thủ tục chưa được sửa đổi kịp thời nên một số nội dung hỗ trợ thường chậm so với mong muốn của doanh nghiệp. Đặc biệt, thành phố chưa xây dựng và triển khai được các nhóm chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nhằm tạo sức bật cho doanh nghiệp như hỗ trợ về thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch…

Qua đợt giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đã kiến nghị, UBND thành phố chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó cần nâng cao ý thức, trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở. Đặc biệt là triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trên cơ sở rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết.

Đồng thời, tăng cường công tác hỗ trợ tư vấn để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ về vốn, tín dụng; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phục hồi và phát triển doanh nghiệp. Trong đó, nghiên cứu một số chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất đầu tư chiều sâu với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư các dự án đổi mới khoa học công nghệ, đáp ứng chuyển đổi số; hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển các sản phẩm làng nghề, phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Đối với các sở, ngành, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố kịp thời nắm bắt các ý kiến của doanh nghiệp để tham mưu với UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, kinh doanh.

Việt Tuấn - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mớihttps://hanoimoi.vn/tiep-tuc-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-655856.html