Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khách sạn Metropole, Hà Nội vào ngày 28/2. Ảnh: KCNA/ Reuters
Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng nhấn mạnh về mối quan hệ cá nhân thân thiết với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. "Chúng tôi đã yêu quý nhau ngay lập tức", Trump tuyên bố trên báo chí. "Kim Jong-un đã viết cho tôi những lá thư với ngôn từ đẹp đẽ".
Tờ Guardian của Anh bình luận rằng những lá thư viết tay đó "dường như đã đưa Trump lên mây và quên đề xuất cụ thể Kim sẽ làm gì để thực hiện phần bên kia của thỏa thuận". Tuyên bố chung tại Singapore nhắc đến cụm từ "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên", nhưng Tổng thống Mỹ dường như đã hiểu rằng Triều Tiên "cam kết giải giáp hạt nhân đơn phương".
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên lại diễn giải cụm từ trên theo hướng các bên sẽ dần tháo ngòi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và thực hiện giải giáp vũ khí hạt nhân theo một lộ trình. Điều đó có nghĩa là Kim Jong-un có thể đã hiểu thái độ niềm nở của Trump tại hội nghị lần thứ nhất ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái là "dấu hiệu của sự tuyệt vọng muốn đạt được một thỏa thuận bằng được".
Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên "bắt sai tín hiệu" của nhau là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt lớn về quan điểm giữa hai bên. Chỉ đến khi họ gặp lại nhau ở Hà Nội, sự khác biệt này mới phát lộ. "Hai lãnh đạo chợt nhận ra họ không phải là đối tác lý tưởng của nhau như họ từng tưởng tượng", phóng viên của Guardian bình luận.
"Rõ ràng ngay từ đầu Trump và Kim đã bị mắc kẹt ở câu hỏi phi hạt nhân hóa bao nhiêu và gỡ bỏ phần nào của lệnh trừng phạt", Joseph Yun, cựu phái viên đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên hiện đang làm việc cho Viện Hòa Bình ở Mỹ, nhận xét. "Cả Trump và Kim hiện nay đang ở thế cực khó. Tôi nghĩ Trump giờ đây mới nhận ra rằng dù Kim Jong-un có sức quyến rũ thế nào thì phi hạt nhân hóa hoàn toàn không có trên bàn đàm phán".
Theo chuyên gia Yun, một nguyên nhân khác dẫn đến kết quả không như mong đợi tại Hà Nội là do hội nghị thượng đỉnh lần hai trùng với phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ của cựu luật sư Michael Cohen của Trump. Trong phiên điều trần diễn ra đúng vào nửa đêm ngày 27/2 và rạng sáng ngày 28/2, Cohen đã gọi Tổng thống Trump là "kẻ dối trá" và "tên bịp bợm". Sự việc đã giáng một "đòn chí mạng" lên ông chủ Nhà Trắng, đẩy Trump vào tình thế phải ra tay để xoay chuyển sóng gió ở Washington. "Trump phải rời Hà Nội với một kết quả gây choáng ngợp hoặc không gì cả", chuyên gia này viết.
"Hai bên đã có thể ký một thỏa thuận nhỏ hơn", chuyên gia Yun nói. "Nhưng theo tôi, Trump buộc phải có trong tay một thỏa thuận hoành tráng trong bối cảnh Cohen đang gây sóng gió ở Washington. Nếu không, Trump biết sẽ phải hứng chịu búa rìu dư luận".
Trong khi đó, nhiều chuyên gia từng lên tiếng chỉ trích chính sách đối ngoại của chính quyền Trump, lại cho rằng lần này Trump đã hành động đúng khi từ chối nhượng bộ Kim Jong-un ở Hà Nội.
Tại họp báo vào chiều ngày 28/2, Tổng thống Mỹ nói nguyên nhân hai bên không đạt được thỏa thuận là do Bình Nhưỡng "muốn được gỡ bỏ hoàn toàn trừng phạt kinh tế". Tuy nhiên, tại buổi họp báo tổ chức đêm đó, Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Thứ trưởng Ngoại giao Cho Son-hui của Triều Tiên đã công bố thông tin trái ngược với những gì ông Trump nói trước đó. Theo Bình Nhưỡng, họ không yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn trừng phạt mà chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh cấm vận hiện nay.
Joel Wit, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ có kinh nghiệm nhiều năm đàm phán với Triều Tiên, hiện giữ chức cố vấn cấp cao của trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson, đồng ý với bước đi của Tổng thống Mỹ. "Nếu mà là tôi, tôi cũng không ký một thỏa thuận nào cả. Tôi nghĩ không ký là đúng", ông Wit nói.
Vipin Narang, một chuyên gia về phi hạt nhân hóa tại Học viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng lãnh đạo Triều Tiên không nên cam kết đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon trong khi thực tế Kim Jong-un chỉ muốn tạm dừng. Một bản cam kết bằng văn bản sẽ đẩy lãnh đạo Triều Tiên vào tình thế dễ bị cáo buộc "nuốt lời" và hậu quả là hai bên sẽ lại rơi vào thế đối đầu.
Các chuyên gia còn chỉ ra một điểm bất thường khác. Stephen Biegun, đặc phái viên được Mỹ cử đi đàm phán với Bình Nhưỡng trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần hai, hoàn toàn "bị ra rìa" trong khuôn khổ hội nghị. Theo quan sát của phóng viên phương Tây, chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney đã thế vào vị trí của Biegun trong các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên tại Hà Nội.
Theo cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ Alexandra Bell, việc Biegun bị gạt ra khỏi hội nghị thượng đỉnh gây ngạc nhiên lớn. "Tổng thống đã nhiều lần gửi đi tín hiệu qua lời nói và hành động rằng ông ấy không thực sự tin tưởng Biegun dẫn dắt quá trình này", Alexandra Bell, hiện là giám đốc chính sách của trung tâm Chống Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và Kiểm soát Vũ khí, nhận định.
"Dựa vào những tuyên bố của Trump tại buổi họp báo ở Hà Nội, dường như ông ấy thật sự nghĩ rằng Mỹ đã có thể đạt được một thỏa thuận hoành tráng và tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, đó không phải là cách tiến trình này diễn ra".
Theo Vnexpress/Phapluatplus.vn