Từ vụ phát hiện 4 học sinh đang sử dụng ma túy và những con số “giật mình” về ma túy học đường

04/06/2021 11:25

Kinhte&Xahoi Mới đây, Công an Hải Dương đã bắt quả tang 4 học sinh dùng ma túy tại quán nước. Hai trong số 4 học sinh bị bắt quả tang dùng ma túy là học sinh THCS. Sự việc xảy ra khiến thầy cô, phụ huynh học sinh đều “sốc” và phải thốt lên “không thể tin được”

Lãnh đạo Sở giáo dục “sốc”

Ngày 25/4, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt quả tang 4 học sinh đang dùng ma túy tại quán nước. Ông Trần Văn Nghìn - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết, trong số 4 em có 2 em sinh năm 2006, nghĩa là các em mới đang ở cuối cấp của THCS. 

Cụ thể, 4 học sinh bị bắt quả tang đang sử dụng ma túy gồm: T.C.Đ. (sinh năm 2005), Đ.Q.H.A. (sinh năm 2006, đều trú tại phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương), Đ.P.Đ. (sinh năm 2006, ở phường Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương), N.Đ.M. (sinh năm 2005, ở phường Thanh Bình, TP. Hải Dương).

Sự việc xảy ra khiến ông Nghìn rất “sốc”. Chia sẻ với báo chí, ông không giấu nổi sự buồn bã: "Công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc và thường xuyên ở các nhà trường, trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp. Thế nhưng lại xảy ra sự việc phức tạp này. 

Hiện nay, ở các cổng trường bán rất nhiều đồ lạ, thậm chí gây nguy hại cao cho học sinh. Do vậy, chúng tôi nhắc nhở các nhà trường học, địa bàn xã phường và gia đình phối hợp, nhắc nhở học sinh bởi một mình nhà trường không thể quản lý nổi học sinh".

Cơ quan chức năng xác định, loại ma túy mà 4 học sinh sử dụng dạng lỏng mới xuất hiện trên thị trường với nhiều màu sắc và mùi vị khác nhau. Các nam sinh này mua chất lỏng nói trên ở chợ sau đó tẩm vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút.

Đây không phải là chuyện hi hữu xảy ra trong học đường nhưng sự việc diễn ra ở ngay giữa thành phố, nơi tưởng như các tệ nạn đã được “giám sát” chặt chẽ và nó không có cơ hội “tấn công” các học sinh.

Vụ việc xảy ra khiến dư luận lo ngại những cám dỗ, cạm bẫy tấn công học sinh hiện nay như ma túy, bóng cười, game, bạo lực.

Chương trình truyền thông phòng, chống ma túy học đường được tổ chức bởi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Viện PSD.

Chia sẻ với truyền thông sau sự việc 4 nam sinh sử dụng ma túy, ông Ngọc Anh chuyên gia huấn luyện phát triển cá nhân và tư vấn phát triển tổ chức nói rằng, môi trường của cách đây 20-30 năm “rất lành”. Trẻ con chỉ quanh quẩn mấy trò chơi đánh đáo, đá bóng...

Môi trường ngày nay rất khác, chúng ta đang sống trong xã hội nhiễu loạn thông tin và đòi hỏi lớn hơn sự giám sát của cha mẹ với con cái.

Đặc biệt là những đứa trẻ ở giai đoạn tuổi 9-15 tuổi. Trẻ con cũng như sợi dây đồng, càng nhỏ càng dễ uốn nắn. Để con lớn một cách tự nhiên dễ bị môi trường xấu tác động"

Chuyên gia này cũng cảnh báo: "Cha mẹ đáng lẽ phải kiểm tra nguồn cơn đến từ đâu nhưng lại lao vào vòng xoáy mải mê kiếm tiền. Cứ nghĩ việc kiếm tiền thiết yếu, con đến trường là xong mà cha mẹ không biết mỗi ngày, mỗi giờ con đang tiếp cận thông tin độc hại nhiều hơn là tích cực…

Dạy con cũng giống như đổ sàn bê tông, mình cắm khuôn hình bông hoa thì sau vài tiếng thành bông hoa, mình cắm đầu lâu thì nó ra hình đầu lâu.

Cha mẹ không kiểm soát được đó là bông hoa hay đầu lâu nên theo sát diễn tiến để chỉnh sửa trước khi nền xi măng khô”.

Những con số đáng báo động

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2020, cả nước có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 70 - 80% trong số người nghiện, ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ATS lên đến 80 - 90% trong tổng số người nghiện.

Đáng báo động việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần, “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và các vụ án giết người gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Tính trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý. Đáng chú ý, trong số 10 vạn người nghiện có hồ sơ quản lý thì có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) khoảng 50% trong số đó là trẻ em (dưới 16 tuổi).

Trong khi đó, theo một khảo sát của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đối với 500 đối tượng phạm tội giết người và 500 đối tượng phạm tội “cố ý gây thương tích” cho thấy, có đến 46% số người phạm tội xuất thân từ gia đình thuộc thành phần phức tạp; 18% có hoàn cảnh gia đình cha mẹ đã ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; 14% sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp; 7% xuất phát từ gia đình giàu có nhưng có lối sống buông thả, ích kỷ, sĩ diện hão hoặc nuông chiều nhau thái quá; 11% có hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn và 4% xuất phát từ gia đình bình thường. Đặc biệt, có đến 43% số đối tượng gây án có tiền án, tiền sự.

Cuối năm 2020, TP.HCM tổ chức hội nghị Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Báo cáo tại hội nghị, thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết tệ nạn ma túy trên địa bàn TP trong những năm qua tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Trong 5 năm gần đây, lượng ma túy tổng hợp mà Công an TP.HCM thu giữ tăng bình quân hằng năm là 105,75%.

Riêng trong năm 2019, số lượng ma túy phát hiện, thu giữ vận chuyển qua địa bàn TP.HCM tăng đột biến với 339,311 kg heroin; 1,422 tấn ma túy tổng hợp; 42,287 kg cần sa... Hoạt động trung chuyển, tái xuất ma túy và tiền chất qua địa bàn TP.HCM với quy mô ngày càng lớn và thành phần đối tượng đa dạng hơn.

“Đáng chú ý là thực trạng đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa và sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp tại những nơi kinh doanh dịch vụ nhạy cảm…”.

Trấn áp tội phạm ma túy, tăng cường tuyên truyền, giáo dục.... các cấp, các ngành vẫn đã và đang làm rất tích cực. Tuy nhiên như đã nói, tội phạm ngày càng tinh vi, ma túy ngày càng nhiều chủng loại mới vì vậy gia đình, nhà trường và các cấp xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để cùng nhau đẩy lùi tệ nạn ma túy. 

Đừng để sự việc như 4 học sinh ở Hải Dương, khi sự việc xảy ra tất cả mới giật mình thì đã quá muộn màng.

Chính Phủ hành động – Bộ Giáo dục và đào tạo vào cuộc quyết liệt

Ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2021 với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy (PCMT).

Điểm mới trong chỉ đạo PCMT của Thủ tướng Chính phủ năm nay là đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa ma túy đối với tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh ,sinh viên: "Tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCMT, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung PCMT vào chương trình và hoạt động của các cấp học".

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, cùng kế hoạch "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021" vừa được ban hành với những quy định rất chi tiết, cụ thể từ phân công nhiệm vụ, cách thức thực hiện, thời gian cụ thể. Kế hoạch này nếu được triển khai hiệu quả, đó cũng sẽ là những biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy. 



 PV - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/tu-vu-phat-hien-4-hoc-sinh-dang-su-dung-ma-tuy-va-nhung-con-so-giat-minh-ve-ma-tuy-hoc-duong-d157359.html