Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thái.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả rất tích cực thể hiện sức hấp dẫn về vị thế, chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 7,43 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 514,2 triệu USD và gần 342,2 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với gần 3,25 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023. Hồng Kông ( Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 1,45 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, khu vực ĐTNN xuất siêu 19,57 tỷ USD giá trị hàng hóa kể cả dầu thô và xuất siêu trên 18,52 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 11,05 tỷ USD.
Tính lũy kế đến nay, cả nước có 40.285 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 481,33 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD, bằng gần 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Hồng Sơn- Hà Nội mới