Vụ cháy tại chung cư mini Khương Hạ: Cần điều tra, truy trách nhiệm đơn vị, cá nhân liên quan

16/09/2023 08:38

Kinhte&Xahoi Theo luật sư Đặng Xuân Cường: Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, ngoài làm rõ nguyên nhân, cơ quan điều tra cần làm rõ là trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc để xảy ra vụ hỏa hoạn.

Liên quan vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, cơ quan điều tra công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (SN 1979, hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Chủ căn chung cư cháy làm 56 người tử vong bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Công an Hà Nội

Ông Minh là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Chủ của căn chung cư mini này bị điều tra về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự.

Các quyết định và lệnh bắt bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phê chuẩn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ngoài chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy trên, thì cần phải xử lý trách nhiệm của những tổ chức cá nhân nào.

Trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Đặng Xuân Cường (Trưởng Ban hình sự - Công ty luật TNHH Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, ngoài làm rõ nguyên nhân, cơ quan điều tra cần làm rõ là trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc để xảy ra vụ hỏa hoạn.

Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, vụ cháy Chung cư mini 9 tầng ở ngách 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đêm 12/9/2023 là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng bởi hậu quả để lại là số lượng người thương vong rất lớn. Hiện tại các cơ quan chức năng đang tập trung vào công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiệt hại ban đầu.

Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, chắc chắn cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ phải vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ cháy.

Ngoài ra thì một vấn đề khác sẽ được cơ quan điều tra làm rõ là trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc để xảy ra vụ hỏa hoạn.

Luật sư Đặng Xuân Cường (Trưởng Ban hình sự - Công ty luật TNHH Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Theo Luật sư Cường, một trong những vấn đề cần phải được làm rõ đầu tiên đó là việc tuân thủ quy định của pháp luật liên quan tới thực hiện hoạt đồng PCCC của chủ tòa chung cư.

Liên quan tới quy định về PCCC của chung cư mini thì đã được pháp luật quy định rất cụ thể tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiêt một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy… ngày 24/11/2020 của Chính phủ.

Theo quy định của điều luật nêu trên thì chủ sử hữu tòa nhà chung cư mini (dưới 7 tầng) sẽ phải tuân thủ các quy định như: Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ/biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn đúng chuẩn; Có phương án chữa cháy đã được phê duyệt; Hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn; Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn; Có phân công và quy định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy.


Những người được phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ. Ngoài những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini dưới 7 tầng ở trên thì với chung cư trên 7 tầng còn phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Hình anh cháy ở Chung cư ở Khương Đình.

Chính về thế, cần làm rõ vấn đề công trình đưa vào khai thác sử dụng thì công an phòng cháy, chữa cháy, công an khu vực, cơ quan chức năng liên quan quản lý, kiểm tra, kiểm soát như thế nào? Những trường hợp không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy có được báo cáo, ngăn chặn việc sử dụng không?

Vấn đề tiếp theo, cần phải làm rõ tại sao lại xây dựng, đưa vào hoạt động một công trình tập trung số người quá đông trong ngõ hẹp như vậy? Trách nhiệm của chính quyền trong việc cấp phép xây dựng và quản lý cũng cần được làm rõ trong ác trường hợp:

Nếu không có giấy phép xây dựng tại sao lại để công trình xây dựng cao đến 9 tầng; Còn nếu có giấy phép xây dựng thì tại sao lại cấp phép cho công trình 9 tầng trong ngõ hẹp; Có đúng quy định không; Có xây dựng đúng giấy phép xây dựng không; Trách nhiệm giám sát của chính quyền ở đâu; Có hay không sự buông lỏng quản lý.

Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết thêm, trong trường hợp nếu cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định chủ sở hữu tòa chung cư đã không tuân thủ đúng quy định nêu trên và đây là nguyên nhân dẫn tới vụ hỏa hoạn thì chủ sở hữu tòa chung cư mini sẽ bị xem xét xử lý TNHS về tội “Tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Với việc số nạn nhân bị tử vong lên tới 56 người thì chủ tòa chung cư này sẽ đối diện với mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 313 là 12 năm tù.

Đối với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, có trách nhiệm định kỳ thanh kiểm tra về công tác phòng cháy chữa cháy của tòa chung cư mà cũng có lỗi, không làm hết tinh thần trách nhiệm, gián tiếp góp một phần vào nguyên nhân dẫn tới vụ hỏa hoạn cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS hiện hành.

Đối với nhóm này, nếu bi quy kết phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng phải đối diện mức án cao nhất ở khoản 3 Điều 360 BLHS là 12 năm tù do đã thoả mãn tình tiết định khung hình phạt là “Làm chết từ 3 người trở lên”.

Mới đây, Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc về việc chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả vụ cháy tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, Thanh Xuân.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Giám đốc Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).

Giao Giám đốc các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn là học sinh đang theo học tại các trường của thành phố.

Giám đốc các đơn vị: Sở Y tế, Công an Thành phố, Chủ tịch UBND quận có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực xảy ra vụ cháy, chỉ đạo các cơ sở Y tế chăm sóc tốt nhất cho những nạn nhân đang được cấp cứu. Báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND TP chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Duy Khương - Pháp luật Plus


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam đứng thứ 11 trong các nước cung ứng hàng hóa cho EU

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang đứng vị trí đối tác thương mại thứ 16 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/vu-chay-tai-chung-cu-mini-khuong-ha-can-dieu-tra-truy-trach-nhiem-don-vi-ca-nhan-lien-quan-d198573.html