WHO khuyến nghị giải pháp chống bình thường hóa việc sử dụng thuốc lá

16/05/2023 15:55

Kinhte&Xahoi Công ước FCTC được xây dựng nhằm quản lý tác hại của thuốc lá, quy định quyền được hưởng chế độ chăm sóc, cải thiện sức khỏe tốt nhất cho công dân.

Ngay từ Hội nghị các Bên (COP) lần thứ 6 của các quốc gia tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu các quốc gia kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường, kể cả thuốc lá thế hệ mới. Việc này nhằm hướng đến mục tiêu chống bình thường hóa việc sử dụng thuốc lá.

Tại COP10 năm nay (dự kiến diễn ra vào tháng 11), các bộ, ngành liên quan và giới chuyên gia kỳ vọng việc quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) sẽ sớm được thống nhất và trình bày tại Hội nghị.

Trước COP10 năm nay, giới chuyên gia trong nước kỳ vọng tất cả bộ, ngành liên quan sớm thống nhất về chính sách quản lý TLTHM.

Chính sách quản lý TLTHM phát triển qua từng kỳ họp COP

Hội nghị các Bên (COP) tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO là sự kiện để các quốc gia thành viên thảo luận về chiến lược kiểm soát thuốc lá từ Chính phủ các nước. Đến nay đã có 193 quốc gia là thành viên của WHO tham gia vào Công ước FCTC.

Từ năm 2003, Công ước FCTC được xây dựng nhằm quản lý tác hại của thuốc lá, quy định quyền được hưởng chế độ chăm sóc, cải thiện sức khỏe tốt nhất cho công dân và thống nhất biện pháp thực hành, chiến lược hợp tác hành động trong lĩnh vực kiểm soát thuốc lá.

Đến năm 2005, Việt Nam chính thức tham gia và trở thành thành viên tích cực, hướng đến mục tiêu chung về các giải pháp kiểm soát thuốc lá toàn diện như các vấn đề về bao bì, nhãn mác, kiểm soát buôn lậu, thương mại, phân phối, quảng cáo…

Từ COP6 năm 2015, dự thảo quyết định đối với các sản phẩm không khói như TLTHM đã được đưa ra thảo luận, bởi TLTHM ngày càng quen thuộc với cộng đồng với đa dạng chủng loại, mẫu mã trên thị trường.

Đến COP7, TLTHM chứng kiến những chuyển biến mới. Cụ thể, trong báo cáo về vai trò tiềm năng của thuốc lá điện tử (TLĐT) có chứa nicotine (ENDS) hoặc không chứa nicotine (ENNDS), WHO nhận định việc chuyển đổi sang các sản phẩm này là lựa chọn phù hợp cho đối tượng không thể hoặc không muốn cai thuốc lá cũng như phù hợp để cải thiện tình hình sức khỏe người hút thuốc và cộng đồng.

Tiến đến COP8, WHO công bố xếp loại thuốc lá làm nóng (TLLN) là sản phẩm thuốc lá, do đó sản phẩm này nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước FCTC cũng như luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của từng quốc gia thành viên. Thêm vào đó, đại diện các nước cũng nêu quan điểm, việc cho phép TLTHM thâm nhập vào thị trường mà không quản lý có thể đe dọa đến các chiến lược kiểm soát thuốc lá, làm suy yếu nỗ lực của FCTC những năm qua.

Cần sớm có tiếng nói chung giữa các bộ, ngành trước COP10

COP10 đang được đại diện các cơ quan, ban, ngành Việt Nam đánh giá cao về tầm quan trọng. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên COP9 chưa có kết luận toàn diện. Do vậy, COP10 sẽ là phiên bản đầy đủ về những kết quả nghiên cứu về TLTHM, cũng như quan điểm của Chính phủ các nước về nhóm sản phẩm này trong suốt hai năm qua.

Dựa trên những ảnh hưởng đa chiều đối với sức khỏe cộng đồng, ngân sách nhà nước, an ninh quốc gia, quyền lợi của nông dân trồng thuốc lá và doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, Việt Nam luôn thể hiện mong muốn kiểm soát thuốc lá toàn diện tại các kỳ họp COP Công ước FCTC.

Từ rất sớm, Chính phủ đã bổ nhiệm Bộ Y tế là trưởng đoàn, đơn vị chủ trì tham gia COP, cùng đại biểu từ các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ tham gia kỳ họp quốc tế quan trọng vào mỗi hai năm.

Bên cạnh các quan điểm đồng thuận với đề xuất cần kiểm soát TLTHM bằng luật trong bối cảnh chưa có số liệu thực tiễn, vẫn có ý kiến cấm tất cả mặt hàng này khi đánh giá dựa trên ảnh hưởng sức khỏe của giới trẻ.

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia và các bộ, ngành xác định, không có rào cản pháp lý để đưa TLTHM vào kiểm soát. Dưới góc nhìn của Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đánh giá, hiện nay, Bộ Công Thương được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Định nghĩa thuốc lá được quy định tương đối mở trong Luật, như vậy, các sản phẩm TLTHM có thể thuộc định nghĩa thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tuy nhiên, dựa trên sự cân nhắc đối với những quan ngại của Bộ Y tế, hiện Bộ Công Thương đề xuất phương án dung hòa là cho phép thí điểm có thời hạn (2 năm) đối với TLLN, do sản phẩm này chứa nguyên liệu thuốc lá thật, để từ đó có cơ sở thực tiễn nhằm đánh giá toàn diện tác động của sản phẩm lên các chủ thể liên quan.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng khẳng định, COP10 là sự kiện quan trọng. Do đó, cần có sự thống nhất giữa các bên liên quan về việc xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm TLTHM cụ thể trước khi COP10 diễn ra.

Phương Nam - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm

Lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 14 đến 27 điểm cơ bản. Tại phiên đấu thầu cuối tháng 4, lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt là 2,75%; 3,22%; 3,33% và 3,66%.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/who-khuyen-nghi-giai-phap-chong-binh-thuong-hoa-viec-su-dung-thuoc-la-d193684.html