Xăng giả gây hại như thế nào?

02/04/2021 20:44

Kinhte&Xahoi Đường dây làm xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP HCM), Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cầm đầu vừa bị Công an Đồng Nai phối hợp Bộ Công an triệt phá. Ước tính có đến hơn 200 triệu lít xăng bị nhóm đối tượng này làm giả, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Hình minh họa.

Công thức chế xăng giả của băng nhóm này chưa được công bố, song cơ quan điều tra tình nghi họ đã sử dụng cách mà đường dây Trịnh Sướng đã làm trước đó. Bởi thành viên đường dây này, bị can Lê Thanh Trung (ngụ Cần Thơ), từng là đàn em thân tín của Sướng.

Theo đó, để tạo ra xăng A95 giả, nhóm đối tượng pha 30% dung môi với 50% xăng A95 thật, còn lại là chất tạo màu vàng; hoặc dùng dung môi trộn với một phần nhỏ xăng nền A95 và chất kích Ron, chất tạo màu. Đối với loại E5, đối tượng sẽ dùng 35% dung môi, 40% xăng nền A95, còn lại là chất kích RON, chất tạo màu.

Trả lời báo chí, PGS TS Nguyễn Đình Quân - Trưởng phòng thí nghiệm Nhiên liệu sinh học và Biomass (Khoa Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa TP HCM) - cho biết, việc pha dung môi với hóa chất làm xăng giả có thể khiến nhiên liệu bị kích nổ sớm trong buồng đốt, gây rung lắc, xung gãy động cơ của các phương tiện. “Bản thân chúng còn có thể bị nhựa hóa, nhiệt phân hay cháy không hoàn toàn tạo ra cặn bẩn làm tắc nghẽn béc phun, làm thoái hóa các chi tiết phi kim loại”, ông Quân cho hay.

Dung môi được sử dụng pha xăng giả là các sản phẩm hữu cơ tạp thu được trong quá trình chưng cất dầu mỏ, có chỉ số RON rất thấp (chỉ khoảng 60). Nó chỉ được dùng trong các sản phẩm công nghiệp như pha trộn với sơn, sản xuất gỗ, thuộc da chứ không được dùng để tạo thành xăng dầu.

Ông Quân phân tích, bản chất của xăng dầu là chất lỏng hữu cơ hydrocarbon, nên có thể hòa trộn với rất nhiều các chất lỏng hữu cơ khác. Về mặt lý thuyết, việc pha trộn dung môi với các hóa chất có thể làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong.

Do đó, người làm xăng giả lợi dụng điều này để trộn một phần những chất hữu cơ (dung môi) rẻ tiền hơn vào xăng, trục lợi phần giá thành chênh lệch. “Khối lượng càng lớn thì thu lợi càng nhiều. Điều này cũng giải thích vì sao các vụ làm xăng giả bị phát hiện thường có quy mô rất lớn”, ông Quân nói.

PGS TS Đỗ Văn Dũng - Chuyên gia công nghệ kỹ thuật ôtô, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - cho biết, nhiều đoạn hệ thống dẫn nhiên liệu của xe, kim phun, đầu ống gắn với bơm xăng... được làm bằng cao su. Các chi tiết này được tính toán để chịu được xăng thật.

Tuy nhiên, khi dùng xăng giả, dung môi nhiều, các gioăng cao su sẽ nở ra gây hiện tượng xì, rò rỉ xăng. “Xăng bị rò rỉ, chỉ cần gặp một tia lửa điện cũng có thể phát cháy, dễ dẫn đến các vụ cháy nổ ở bãi xe chung cư, nơi công cộng”, ông Dũng phân tích.

Quan điểm này từng được Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm, nêu ra trong quá trình điều tra đường dây của Trịnh Sướng.

Ngoài ra, xăng giả cũng làm cho tuổi thọ xe máy giảm đáng kể. Mặc dù được “bơm” các chất phụ gia nhưng chỉ số octane của xăng giả cũng không thể bằng xăng thật. Do đó, khi sử dụng xăng giả, xe dễ xảy ra hiện tượng kích nổ, gây ra sóng áp suất mạnh. Các chi tiết về cơ khí như pittong, bạc, dên... dễ bị cong, mòn, hư hại.

Cũng theo PGS Dũng, các ô tô hoặc xe máy đời mới đều có bộ lọc khí thải, có tác dụng trung hoà khí thải từ động cơ, sinh ra các chất không độc thải ra môi trường. Trong khi đó, các chất dung môi, phụ gia được được pha vào xăng giả khi bị đốt cháy tạo ra khí thải làm vô hiệu hoá hoặc làm hư bộ lọc khí thải.

“Điều này sẽ gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn, nhất là khi người làm xăng giả sử dụng acetat chì, là chất hiện đã bị cấm, để pha vào xăng nhằm tăng chỉ số octane”, ông Dũng nói. 

 Kiến An - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/xang-gia-gay-hai-nhu-the-nao-d152411.html