Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn

13/06/2023 13:19

Kinhte&Xahoi Sáng 13-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sớm hình thành nền tảng công nghệ số 

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết: Trong mọi hoàn cảnh, đông đảo hội viên, nhà báo luôn bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Với vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên - nhà báo, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều hoạt động, công tác trọng tâm của các cấp Hội từ trung ương đến địa phương được triển khai thực hiện tốt, như: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của hội viên, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của phóng viên, nhà báo và tập hợp, đoàn kết đội ngũ những người làm báo. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương Hội đã tổ chức được 152 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, nâng cao bản lĩnh chính trị cho hơn 3.600 lượt hội viên nhà báo trên toàn quốc…

Bên cạnh những kết quả làm được, đồng chí Lê Quốc Minh cũng báo cáo những hạn chế, khó khăn, thách thức. Đó là, chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức hội còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò và vị thế của Hội. Công tác tập hợp những người làm báo còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận hội viên chưa tích cực học tập nâng cao trình độ tác nghiệp trong tình hình mới. Tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tính định hướng; một số người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn còn diễn ra…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu.

Trong thời gian tới, Hội Nhà báo các cấp tiếp tục chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, người làm báo. Các cấp Hội Nhà báo tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện Luật Báo chí, Quy hoạch và phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Cơ quan Trung ương Hội và Hội Nhà báo các địa phương quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, người làm báo; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo đại học, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại cho hội viên, nhà báo, phóng viên về kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số.

Tham luận tại sự kiện, đại diện các cơ quan báo chí như: Quân đội nhân dân, Sài Gòn Giải phóng, Thanh Niên, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã đóng góp nhiều ý kiến về cơ chế, chính sách để phát huy thế mạnh báo chí chính thống; tạo hàng lang pháp lý và điều kiện để những người làm báo chính thống hoạt động dễ dàng hơn; sớm hình thành nền tảng công nghệ số dùng chung của các cơ quan báo chí cả nước, để giúp các cơ quan báo chí đẩy mạnh việc chuyển đổi số thành công…

Đóng góp ý kiến cho sự phát triển của báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian tới, Hội cần quan tâm nhiều hơn nữa yêu cầu chuyên môn, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các hội cũng như hội viên, có giải pháp hiệu quả thích ứng với cơ chế thị trường.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề cấp thiết lúc này là tập trung cho công cuộc chuyển đổi số của các cơ quan báo chí vì đây là vấn đề sống còn của các báo. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Chính phủ đầu tư nền tảng số, công nghệ  và chi ngân sách thường xuyên cho hoạt động bao chí.

Phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, phương tiện thông tin thiết yếu, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Trong đó, Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong suốt 73 năm xây dựng và trưởng thành (21/4/1950-21/4/2023), Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng phát triển về số lượng và tổ chức, trưởng thành về chất lượng, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Thủ tướng đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương những thành tích, đóng góp quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trong cả nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước; đặc biệt, tưởng nhớ, tri ân, chia sẻ với gia đình các nhà báo đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng cho rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là về mô hình tổ chức, công tác giám sát sinh hoạt của hội viên... Đặc biệt là những tồn tại, hạn chế như vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cơ quan báo chí và người làm báo; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; biểu hiện “tư nhân hóa báo chí"; phản ánh nhiều bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn…

Đặc biệt, Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo cả nước đang phải đối mặt, nhất là sự sụt giảm về doanh thu, thu nhập, sự cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội...

Phân tích những thách thức đối với công tác thông tin, truyền thông trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để báo chí Việt Nam thực sự cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh hoạt động tập hợp, xây dựng đội ngũ những người làm báo và hội viên có phẩm chất chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn cao để “phụng sự Tổ quốc," “phụng sự nhân dân".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

“Phải xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ và nhân văn; xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân," Thủ tướng yêu cầu.

Hội Nhà báo các cấp và các cơ quan báo chí cần tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí; bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là lợi dụng báo chí, đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo chí phải phát huy, tôn vinh các giá trị cốt lõi của dân tộc như tính nhân văn; nét đẹp chân - thiện - mỹ; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; ý chí và nghị lực, khả năng sáng tạo to lớn của nhân dân; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế; phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề. Khắc phục tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”, chạy theo thị hiếu tầm thường. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ những người làm báo.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tế, thiết thực. Thủ tướng đồng ý xem xét, đồng thời yêu cầu Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế phù hợp với tình hình chung và triển khai thực chất, hiệu quả; trong đó có việc rà soát, sửa đổi các nghị định, thông tư, hoàn thiện quy hoạch báo chí; đầu tư hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí; đổi mới cơ chế tài chính, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí, tạo điều kiện hết mức có thể để báo chí tự lực, tự cường vươn lên, phát triển cùng đất nước.

 Hoàng Lân - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giữ nguyên giá xăng, tăng giá 2 loại dầu

Chiều 12-6, liên bộ Công Thương - Tài chính sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã giữ nguyên giá xăng E5RON92 và RON95-III so với giá bán lẻ hiện hành.

Doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm

Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn không như kỳ vọng của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Lượng tiền gửi từ doanh nghiệp cũng giảm trong khi tiền gửi của dân cư vào tổ chức tín dụng tiếp tục tăng.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1066986/xay-dung-nen-bao-chi-cach-mang-viet-nam-chuyen-nghiep-hien-dai-nhan-van