Xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong quý I-2024: Tạo đà bứt phá cả năm

02/04/2024 11:07

Kinhte&Xahoi Kết thúc quý I-2024, xuất, nhập khẩu cả nước tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, trong đó riêng xuất khẩu tăng 17%. Kết quả này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho xuất khẩu các tháng tiếp theo bứt phá, trong bối cảnh tình hình thị trường dần khởi sắc.

Lai dắt tàu chở hàng xuất khẩu tại Cảng Đình Vũ (thành phố Hải Phòng).

Xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3-2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý I-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại cả quý xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Trong bức tranh xuất khẩu với những gam màu tươi sáng, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đóng góp 8,46 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp thành viên đã có đơn hàng đến tháng 6-2024, bên cạnh một số doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết năm nay. Như Tổng công ty May 10 có đơn hàng đến hết quý II-2024. Còn đối với Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân, hiện đơn đặt hàng vải đã bắt đầu tăng lên với sản lượng của nhà máy dệt nhuộm dự kiến đạt 100-130 tấn vải/tháng và ngành may đã ký đơn hàng đến tháng 8-2024...

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, quý I-2024, xuất, nhập khẩu đang có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Đây là thành tích nói lên sự phục hồi của sản xuất cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá, kết quả xuất, nhập khẩu quý I-2024 đạt cao hơn con số kỷ lục của quý I-2022 (ở mức 176,35 tỷ USD). Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tăng tốc hướng ngoại và động lực thị trường quốc tế đang tạo sức hấp dẫn mạnh. Hiện kinh tế thế giới đã dần hồi phục, nhất là các thị trường chính của Việt Nam như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, khiến nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại. Cùng với đó, lượng hàng tồn kho tại các thị trường này đã giảm, do đó nhiều đơn hàng đã quay trở lại. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng tích cực tìm kiếm khách hàng, điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng được công nghệ số để xuất khẩu và xây dựng chuỗi cung ứng.

Chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam đi qua 1/4 chặng đường của năm với những kết quả tương đối khả quan. Các dự báo cũng cho biết trong quý II-2024, tình hình thị trường tiếp tục được duy trì và mở rộng. Các thị trường là đối tác chiến lược của Việt Nam tiếp tục có đà phục hồi mạnh, kết nối chặt chẽ hơn và xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng lớn trên thế giới càng thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam thêm nhộn nhịp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ta thêm tự tin mở rộng thị trường, khi nhiều cơ hội mới với khả năng đột phá xuất hiện. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cũng chỉ rõ, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và khó đoán định, tác động nhiều chiều tới hoạt động xuất khẩu.

Dù thị trường đã dần ấm lên, song ngành Dệt may nhận định 2024 tiếp tục là năm có nhiều thử thách, do đó cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thị trường, đồng thời đáp ứng cao nhất các yêu cầu về chất lượng, trách nhiệm xã hội, môi trường...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, để tạo đà cho xuất khẩu các tháng tới, các doanh nghiệp cần duy trì chặt chẽ quan hệ với đối tác hiện có bằng chất lượng, trách nhiệm và gia tăng chữ tín, bảo đảm nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, đồng thời tích cực, chủ động tìm thị trường mới như thị trường các sản phẩm Halal Trung Đông, châu Phi và phát triển sâu thị trường ASEAN. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển chuỗi cung ứng chuyên nghiệp, cải thiện năng lực canh tranh, xây dựng thương hiệu Việt; đồng thời, thêm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để gia tăng vai trò và tác động của đổi mới sáng tạo đến xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên kết với nhau và với doanh nghiệp nước ngoài để cùng bổ sung lợi thế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, dù kết quả quý I-2024 rất khả quan nhưng cần tiếp tục tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường và khả năng thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp; đổi mới công tác xúc tiến thương mại, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA - liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất của Việt Nam.

Lam Giang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt: Tiện dụng, song cần bảo đảm an toàn

Thời gian qua, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt: Quét mã QR, chuyển khoản,... ngày càng được sử dụng phổ biến trong các giao dịch, đời sống hằng ngày. Xu hướng này được đánh giá mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, song cũng đặt ra vấn đề cần phải bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán và ngân hàng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/xuat-khau-tang-truong-manh-trong-quy-i-2024-tao-da-but-pha-ca-nam-662455.html