12 năm sau thanh tra, rừng Sóc Sơn bị “xẻ thịt” khủng khiếp hơn

06/11/2018 10:49

Kinhte&Xahoi Vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến tình trạng mua gom, chiếm dụng đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn nhằm mục đích xây biệt phủ, khu du lịch.

Điều đáng nói, sai phạm về việc quản lý, sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006 nhưng suốt 12 năm qua, Hà Nội chưa thực thi “hậu kiểm” nghiêm túc, nhiều công trình vi phạm vẫn mọc lên bất chấp quy định.

Khu sinh thái Thiên Phú Lâm khoét sâu vào lõi rừng tại xã Minh Phú - Sóc Sơn.

Trong tháng 12 phải ra quyết định cưỡng chế Riêng tại hai xã Minh Trí và Minh Phú, từ năm 2015 đến nay, nhiều cá nhân đến thu mua, gom đất với tổng diện tích lên đến hàng chục ha để xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng...

Trong số 61 công trình vi phạm được huyện Sóc Sơn phát hiện gần đây có 27 công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí; 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Trường, xã Minh Phú.

Trước tình hình trên, ngày 10/10, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Thanh tra thành phố và các sở ngành liên quan yêu cầu thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Phú và xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) từ 2008 đến nay tại hai xã Minh Phú và Minh Trí thuộc huyện Sóc Sơn.

Thời gian thanh tra là 45 ngày. Văn bản nêu rõ những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực quy hoạch đất rừng phòng hộ tại hai xã trên đã được Thanh tra Chính phủ và Thanh tra thành phố kết luận và kiến nghị xử lý.

UBND TP Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, việc xử lý, khắc phục của UBND huyện Sóc Sơn và các sở ngành liên quan rất chậm, chưa triệt để, tiếp tục để xảy ra vi phạm.

Ngày 26/10, Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Văn Hân bị đình chỉ công tác trong 30 ngày để huyện tập trung chỉ đạo giải quyết 18 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Khi báo chí đưa tin về những vi phạm này, tình trạng xây dựng trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn vẫn tiếp diễn tại một số biệt thự, khu sinh thái.

Tại phiên họp giao ban công tác ngày 30/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn.

Với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, ông Chung yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Sóc Sơn phải ra quyết định cưỡng chế vi phạm trong tháng 12, không được để công trình vi phạm mới nào tồn tại.

“Trước tiên ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện thì phải ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm. Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai” - ông Chung cương

Nhân dân sẽ rất ủng hộ

Hoan nghênh chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết ông rất đồng tình. “Đó là chỉ đạo rất đúng, không chỉ tôi ủng hộ mà nhân dân sẽ rất ủng hộ. Làm sai thì phải xử lý” - ông nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn nêu quan điểm: “Đã làm sai thì phải sửa, cho dù là đau đớn đến đâu thì cũng phải xử lý nghiêm. Kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật vẫn là trên hết, là nền tảng của một chế độ, là uy tín của lãnh đạo thành phố nữa”.

Trong quá trình xử lý, ông lưu ý UBND TP Hà Nội cần cân nhắc trong việc thực thi pháp luật, cân bằng giữa quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và sự sai trái của chính quyền. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng vào quyết tâm của thành phố trong việc xử lý sai phạm về trật tự xây dựng tại Sóc Sơn.

Tuy nhiên, ông Quốc nhấn mạnh Hà Nội cần làm rõ trách nhiệm khi thực thi pháp luật. Nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm là sự quản lý yếu kém của cơ quan Nhà nước, không phải chỉ là người dân làm sai luật.

“Ngay từ đầu cơ quan quản lý đã không ngăn chặn, để người dân có thể nhận thức ra, họ không đầu tư, không gây thiệt hại. Thế nhưng cả một chuỗi dài cả chục năm nay, bộ máy chính quyền nếu không phải là kém năng lực thì là sự đồng lõa với việc làm sai đó. Cơ quan đó phải chịu trách nhiệm” – ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, chính sự buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước đã tiếp tay cho sai phạm kéo dài của người dân và doanh nghiệp. Khi tháo dỡ các công trình vi phạm, người thiệt hại đầu tiên chính là người dân và doanh nghiệp, gây lãng phí của cải của xã hội.

“Ở đây, phải xử lý cơ quan hành pháp, cơ quan quản lý nặng hơn xử lý người dân. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính quyền tự trách mình đã, rồi hãy trách người dân” - ông Quốc thẳng thắn.

Đồng thời nhắc lại việc “phạt cho tồn tại” đã tạo ra những sai phạm kéo dài tại Sóc Sơn. Đây là bài học lớn để rút kinh nghiệm, nó làm phá hoại kỷ cương, bộ máy, gây ra tham nhũng vặt và để lại hậu quả lớn.

Thanh tra Chính phủ sẽ đôn đốc kiểm tra xử lý

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua về việc xử lý vi phạm xây dựng tại rừng phòng hộ Sóc Sơn, Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Bùi Ngọc Lam đánh giá, nhiều nội dung Hà Nội xử lý chưa triệt để, đặc biệt xử lý các công trình xây dựng, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí…

Ông Lam cho biết, năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm về việc quản lý, sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn. Đơn vị này đã ra kết luận với nhiều nội dung yêu cầu TP Hà Nội thực hiện.

Ông Lam thừa nhận suốt 12 năm qua, việc thực thi kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa được Hà Nội làm nghiêm túc, nhiều công trình vi phạm vẫn mọc lên như báo chí phản ánh.

Vừa qua, Hà Nội đã quyết định thanh tra, chấn chỉnh sai sót và Thanh tra Chính phủ sẽ theo dõi, đôn đốc kiểm tra xử lý, bảo đảm đúng theo quy định pháp luật.

“Khi Hà Nội báo cáo kết quả công việc trên, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra và đánh giá toàn diện việc thực hiện Kết luận thanh tra năm 2006, cần thiết chúng tôi sẽ kiến nghị với thành phố xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chuyện ngược đời

Ở nước Áo vừa rồi có một phán xử của tòa án mà gần như không ai có thể tin đó là chuyện thật. Chuyện như đùa mà có thật.