Ai "đỡ đầu" cho Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai?!

27/07/2018 09:09

Kinhte&Xahoi Tên Phong Phú, “ruột” tư nhân là dấu hỏi về chủ đầu tư dự án hàng trăm ha tại Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai?

Công ty CP đầu tư phát triển Phong Phú (Công ty Phong Phú) là nhà đầu tư của dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, quận Hà Đông. Dù được giao đất từ năm 2007, dự án này đã chậm tiến độ, hiện chủ đầu tư vẫn tiếp tục xin điều chỉnh quy hoạch, chưa thể xây dựng.


Những năm gần đây, dấu hiệu tái khởi động Dự án dần rõ hơn. Cụ thể, năm 2015, UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai. Mới đây Hà Nội đã giao Công ty Phong Phú tổ chức nghiên cứu quy hoạch phân khu Khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2000.

Tuy nhiên, việc giao nhiệm vụ này khá khó hiểu. Bởi Quy hoạch chi tiết, 1/500 Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai đã được lập trước tối thiểu 03 năm so với Quy hoạch phân khu Khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2.000. Trong khi đó theo Luật Quy hoạch đô thị 2009, quy hoạch chi tiết có sau quy hoạch phân khu.

Được biết, Công ty Phong Phú thành lập ngày 16/9/2005, đăng ký trụ sở chính tại lầu 11, tòa nhà HUD, 159 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ban đầu vốn điều lệ của Công ty là 100 tỷ đồng, tháng 11/2009 nâng lên 200 tỷ đồng.

Thời điểm mới thành lập Công ty Phong Phú được góp bởi ba cổ đông, gồm Công ty Dệt Phong Phú (nay là Tổng Công ty CP Phong Phú - công ty con của Tập đoàn Dệt May Việt Nam với tỷ lệ nắm giữ tính tới đầu năm 2017 là 50,10% vốn điều lệ), Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức và cá nhân ông Phạm Uyên Nguyên.


Lúc này ông Phạm Uyên Nguyên giữ chức Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty Phong Phú đồng thời là Giám đốc điều hành, kiêm trưởng văn phòng đại diện quỹ VinaCapital.

Đến tháng 9/2017, thành phần cổ đông góp vốn tại Công ty Phong Phú đã thay đổi. Theo đó, Tổng Công ty CP Phong Phú nắm giữ 26,93% vốn góp, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức nắm 29,08%, Quỹ Vietnam Opprunity Fund Ltd (quỹ thuộc VinaCapital) nắm 32,31% và Công ty TNHH Thương mại Phước Phát nắm 8,08% vốn góp.

Như vậy, thành phần góp vốn có sự bổ sung Công ty TNHH Thương mại Phước Phát. Đây là doanh nghiệp có vốn điều lệ 3 tỷ đồng, do ông Trần Quang Sáng là Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Đáng lưu ý, khi dự án Khu vực Đồng Mai với 226ha đất đang được tái khởi động, Tổng công ty CP Phong Phú đã lên kế hoạch thoái 100% vốn tại Công ty Phong Phú với giá khởi điểm 13.500 đồng/cổ phần. Lý do là nhằm thực hiện chủ trương của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng Công ty CP Phong Phú, thoái vốn ở những doanh nghiệp kinh doanh ngoài ngành.

Hiện, một số cá nhân trong HĐQT, Ban giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú đang có vai trò quan trọng tại Công ty Phong Phú.

Trong đó, ông Trần Quang Sáng - Tổng Giám đốc Công ty Phong Phú - cũng đồng thời là thành viên HĐQT Tổng công ty CP Phong Phú và Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phước Phát (thành viên mới góp vốn vào Công ty Phong Phú).

Bà Lê Thị Ánh Ngọc là thành viên HĐQT, Giám đốc điều hành Công ty Phong Phú và là Giám đốc điều hành Tổng Công ty CP Phong Phú, thành viên Ban kiểm soát Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Kế toán trưởng Công ty Phong Phú và là Trưởng Ban Kiểm soát Tổng công ty CP Phong Phú.

Ông Don Di Lam là thành viên HĐQT Công ty Phong Phú, Tổng Giám đốc VinaCapital, đồng thời là thành viên HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ông Don Di Lam đã có Thư xin từ chức thành viên HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam từ ngày 29/01/2018.

Ông Lê Chí Hiếu là thành viên HĐQT Công ty Phong Phú nhưng cũng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển Nhà Thủ Đức.

Đáng lưu ý, cá nhân ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Phong Phú và Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cũng là thành viên trong HĐQT Công ty CP phát triển Nhà Thủ Đức.

Quỹ đầu tư VinaCapital, ngoài việc đầu tư vào Công ty Phong Phú cũng đầu tư cả vào Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Ông Don Di Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, là thành viên HĐQT của cả 2 doanh nghiệp Việt Nam này.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ấn Độ: Nhức nhối nạn hiếp dâm trẻ em

Nạn hiếp dâm tại Ấn Độ, đất nước đông dân thứ nhì thế giới, đang ngày một gia tăng. Phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt là trẻ em gái, đã trở thành những nạn nhân đáng thương của những cuộc tấn công bạo lực đầy đau xót. Thực trạng này đáng ngại đến mức báo chí thế giới từng gọi Ấn Độ là đất nước của “yêu râu xanh”.

ADN truy tìm “sát thủ giấu mặt” trong hàng loạt vụ trọng án

Trong lịch sử hình sự thế giới, luôn tồn tại một “khoảng trống”, nơi dành cho các vụ án phức tạp qua nhiều năm tháng vẫn chưa thể phá án. “Khoảng trống” này theo thời gian đã ít dần đi do có sự trợ giúp đắc lực của công nghệ ADN - một lĩnh vực tân tiến bậc nhất của khoa học hình sự. Công nghệ này đã đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nhận diện tội phạm, thực thi công lý và trả lại công bằng cho nạn nhân.