Raju Magdum, người đứng đầu hội đồng làng Mangaon tại bang Maharashtra, Ấn Độ cho biết ông kinh hoàng trước cách mọi người dán mắt vào màn hình mỗi đêm.
“Các thành viên trong gia đình không nói chuyện với nhau, trẻ em không tập trung làm bài tập, hàng xóm gặp nhau trên đường không dừng lại để hỏi thăm nhau…”, ông Magdum nói.
Do đó từ ngày 8/3, tại làng Mangaon, còi báo động đặc biệt sẽ vang lên vào lúc 19h hàng ngày báo hiệu cư dân đã đến giờ tắt các thiết bị điện. Đến 20h30, còi lại vang lên báo hiệu giai đoạn “cai nghiện” kết thúc.
Làng sẽ đề cao sự tự nguyên tuân thủ giờ giới nghiêm đã được đặt ra.Tuy nhiên nếu một gia đình liên tục phớt lờ, chính quyền làng sẽ phạt bằng cách tăng thuế bất động sản.
Nghiện điện thoại gây ra nhiều tác hại đến sức khoẻ và học tập
Hầu hết các ngôi nhà ở vùng nông thôn Ấn Độ không đủ lớn để có phòng học riêng cho trẻ em. Với việc tất cả mọi người đều ở trong cùng một không gian, sự phân tâm của điện thoại di động và tivi sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung vào việc học của trẻ.
Ông Magdum cho biết nhiều ngôi làng trong khu vực cũng sẵn sàng làm theo cách làm này: “Trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề và học hành không tốt ở trường. Trong đại dịch khi các trường học đóng cửa, học sinh đã quen với việc dành nhiều thời gian hơn bình thường cho điện thoại thông minh”.
Ý tưởng về việc cai nghiện kỹ thuật số lần đầu tiên xuất hiện vào năm ngoái tại làng Sangli, tiếp giáp với làng Mangaon.
Jitender Dudi, một quan chức của làng Sangli, cho rằng lệnh cấm đã có hiệu lực: “Đã khoảng sáu tháng trôi qua kể từ khi áp dụng, tôi thấy mọi người trò chuyện với nhau nhiều hơn, xuất hiện nhiều tiếng cười hơn. Người trong gia đình tương tác với nhau, giao tiếp xã hội cũng tốt hơn”.
Ông Dudi cũng cho biết không khí trong làng nhộn nhịp hơn lúc 19h, nhưng không khiến trẻ em mất tập trung nhiều như điện thoại và tivi. Mọi người kết nối với nhau và đó là mục tiêu mà chính quyền hướng đến.
Năm 2021, cộng đồng người Jain ở Ấn Độ cũng đã phát động thử thách cai điện thoại cho thanh niên. Hơn 2.000 người đã cố gắng tránh xa màn hình điện thoại ít nhất 12 tiếng mỗi ngày trong 50 ngày để thanh lọc tinh thần.
Một nghiên cứu tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển đo lường tác động của việc sử dụng điện thoại đối với người ở độ tuổi 20 trong suốt 1 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng điện thoại nhiều có liên quan trực tiếp đến bệnh về trầm cảm ở cả nam và nữ.
Một nghiên cứu khác thực hiện bởi Đại học Hàn Quốc tại Seoul, Hàn Quốc đã so sánh sức khỏe, tinh thần của thanh thiếu niên nghiện điện thoại thông minh và bạn bè không nghiện. Họ phát hiện ra rằng, thanh thiếu niên nghiện công nghệ có mức độ lo lắng, trầm cảm, mất ngủ và bốc đồng cao hơn đáng kể.
Hà Linh - TTTĐ