Bắc Giang không chấp thuận dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tái chế phế liệu nhập khẩu

25/07/2021 09:07

Kinhte&Xahoi Đó là khẳng định của UBND tỉnh Bắc Giang tại văn bản về việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Không chấp thuận dự án tái chế phế liệu nhập khẩu

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang nhận định, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được tăng cường; hệ thống quy định, cơ chế, chính sách địa phương về bảo vệ môi trường được rà soát, bổ sung từng bước đồng bộ, hoàn thiện; việc lập, thẩm định đánh giá tác động môi trường được quan tâm; công tác phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường được chú trọng…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải các cụm công nghiệp, đô thị chưa đồng bộ…

Ngoài ra, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khi đầu tư dự án cũng như khi dự án đi vào hoạt động sản xuất còn diễn ra khá phổ biến; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng, quản lý sử dụng hóa chất trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng.

Phế liệu nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Đứng trước thực trạng đó, để khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế nêu trên ngày 28/12/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản số 5690/UBND-MT, về việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, cấp phép xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Tại văn bản này UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện một số nội dung. Trong đó đặc biệt quan tâm đến Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu: Sở này tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, làng nghề…

Đồng thời phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường trong chấp thuận đầu tư; "Khuyến khích thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; quản lý chặt chẽ hoạt động cấp đăng ký kinh doanh và giải thể, phá sản doanh nghiệp; không chấp thuận dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, tái chế phế liệu nhập khẩu, tiêu hao năng lượng lớn, chưa chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường".

Có thể dễ dàng nhận thấy được "kim chỉ nam" trong công tác đầu tư của UBND tỉnh Bắc Giang đó là khuyến khích thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại... Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang cũng đặc biệt cứng rắn khi nói không với những dự án công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường và tái chế phế liệu nhập khẩu.

Ngoài Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Bởi đây chính là đơn vị quản lý "sát sườn" các doanh nghiệp.

 Tỉnh Bắc Giang cũng đặc biệt cứng rắn khi nói không với những dự án công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường và tái chế phế liệu nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần: Tăng cường công tác rà soát, theo dõi, kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trưởng tại các khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, chú trọng hoạt động xã nước thải, khí thải, chuyển giao chất thải không đúng quy định; kịp thời phát hiện, kiến nghị và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục nhắc lại "kim chỉ nam" của mình và khẳng định, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần thực hiện nghiêm, chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường trong chấp thuận đầu tư, phù hợp với quy hoạch phân khu chức năng và khả năng tiếp nhận, xử lý nước thải của khu công nghiệp.

"Chú trọng thu hút các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; không chấp nhận dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, tái chế phế liệu nhập khẩu, tiêu hao năng lượng lớn, chưa chấp hành nộp phạt vi phạm nành chính vệ môi trường...".

Tại văn bản chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thể hiện rõ nét quan điểm của UBND tỉnh Bắc Giang. Theo đó, chủ trọng quan tâm đối với những dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng cũng kiên quyết nói không đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường hay tái chế phế liệu nhậu khẩu.

Bedra Việt Nam mở rộng nhà máy, nâng công suất

Trong những năm gần đây, việc xử lý, xử phạt các doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật về môi trường được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, với những công ty xử phạt ở mức "kịch khung", xử lý nghiêm, cảnh tỉnh đối với những doanh nghiệp có dấu hiệu muốn vi phạm trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH Bedra Việt Nam, công ty này năm 2020 đã bị xử phạt hành chính vì đã lắp đặt 1 lò nấu đồng công suất 28 tấn/ngày vào ngày 15/9/2020, lắp đặt 2 lò ủ hình chuông vào tháng 7/2020, lắp đặt 27 máy kéo sợi tự động không đúng với nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt. Theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt: Dự án chỉ hoạt động với 16 máy kéo sợi tự động, không có lò nấu đồng, lò ủ hình chuông.

Trước sai phạm rõ ràng, Chánh thanh tra Sở TN&MT Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng với doanh nghiệp Trung Quốc này.

Mới đây, ngày 23/4/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định số 769/QĐ-BTNMT quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. “Nâng công xuất nhà máy sản xuất dây cắt kim loại cao cấp Bedra” tại Lô B5-B6, Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng xã Song Khê, TP Bắc Giang.

Theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án. “Nâng công suất nhà máy sản xuất dây cắt kim loại cao cấp Bedra” của Công ty TNHH Bedra Việt Nam thực hiện tại Lô B5- B6, Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng, xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang với các nội dung chính tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này".

Một góc Công ty Bedra Việt Nam nhìn từ trên cao.

Để khách quan thông tin tới bạn đọc Phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Ngọc - Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang.

Trước câu hỏi của Phóng viên về việc hiện nay Công ty Bedra Việt Nam đã được chấp thuận nâng công suất nhà máy sản xuất dây cắt kim loại cao cấp Bedra hay chưa, ông Nguyễn Xuân Ngọc cho biết: "Công ty Bedra Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 16/10/2018. Thay đổi lần thứ 2 là ngày 11/9/2019, với mục tiêu quy mô là sản xuất sợi cắt kim loại cao cấp, sợi điện tử quy mô là 5.600 tấn/năm. Đến thời điểm hiện tại thì Công ty đang thực hiện theo quy mô và đăng ký như ban đầu. Chưa điều chỉnh tăng công xuất nhà máy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã phê duyệt cho công ty này Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Quy mô cụ thể thì lại không nhắc tới.

Đến thời điểm hiện tại thì Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang chỉ điều chỉnh cho Công ty Bedra theo cái điều chỉnh lần 2 là ngày 11/9/2019 quy mô như vậy. Hiện tại chưa có điều chỉnh gì mới".

Phóng viên tiếp tục đưa ra câu hỏi về việc UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản về việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã nêu: “không chấp thuận dự án tái chế phế liệu…”. Như vậy bằng văn bản trên của UBND tỉnh Bắc Giang thì Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh có xem xét kỹ lưỡng hay cân nhắc tạm dừng việc đồng ý, chấp thuận đối với dự án nâng công suất nhà máy sản xuất dây cắt kim loại cao cấp Bedra?

Ông Nguyễn Xuân Ngọc cho hay: "Đối với Ban quản lý các khu công nghiệp vẫn đang quản lý Công ty Bedra theo giấy chứng nhận thay đổi lần thứ 2. Đến nay thì họ chưa nộp, đăng ký điều chỉnh theo ĐTM mới được duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Được biết nguyên liệu đầu vào của Bedra Việt Nam theo đăng ký là đồng phế liệu sạch.

Sau khi Ban quản lý các khu công nghiệp nhận được xin điều chỉnh của Công ty Bedra thì sẽ tham mưu cho UBND tỉnh. Đó cũng là chủ trương của tỉnh làm sao để thu hút các dự án nhưng phải theo quy định của UBND tỉnh Bắc Giang".

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 Thanh Bình - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nỗi lo lạm phát của thế giới hậu Covid-19

Lạm phát ở các nền kinh tế lớn đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, làm dấy lên những lo ngại gần đây về tình trạng của hệ thống tài chính trên toàn cầu giai đoạn sau đại dịch.

Facebook, Google, Twitter dọa rút khỏi Hong Kong

Cả Facebook, Google và Twitter đều nằm trong Liên minh Internet châu Á. Mới đây, Liên minh này đã gửi đi một bức thư dài 6 trang có một số nội dung liên quan đến quyền bảo vệ dữ liệu tại Hong Kong.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/bac-giang-khong-chap-thuan-du-an-su-dung-cong-nghe-lac-hau-tai-che-phe-lieu-nhap-khau-d161488.html