Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu Trung ương.Ảnh baochinhphu.vn
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đến 9h sáng ngày 13/11, bão số 13 còn cách Hoàng Sa 410 km, cách đất liền 880 km, cường độ bão lúc đó ở cuối cấp 11, đầu cấp 12. Trong 48 giờ tới, bão sẽ ở trên đất liền.
Theo dự báo, bão nhiều khả năng sẽ vào Bắc Trung Bộ và Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Ngãi và Hà Tĩnh. Đặc biệt, với cơn bão này, các địa phương cần hết sức quan tâm đến sức gió. Gió trong cơn bão này có khu vực ảnh hưởng có thể lên tới cấp 9, cấp 10 và giật cấp 12.
Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết các phương án chuẩn bị ứng phó với bão số 13 cũng đã sẵn sàng. Tuy nhiên, theo dự báo, diễn biến của cơn bão này còn rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, rất khó dự báo chính xác về khu vực, thời gian, cấp độ bão sẽ đổ bộ.
Tại điểm cầu Thanh Hóa.Ảnh Cổng TTĐT Thanh Hóa
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến điểm cầu Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cho biết: Hiện tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các phương án sẵn sàng ứng phó nếu bão có ảnh hưởng vào Thanh Hóa, đồng thời cũng ra thông báo đến 19h ngày 13/11, sẽ ra lệnh cấm biển, không để tàu thuyền ra khơi, các hoạt động bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cũng được địa phương hoàn thành thu hoạch vụ Mùa; nước tại các hồ đập vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại hướng đi của cơn bão vẫn rất khó lường, vì vậy không được chủ quan, lơ là; tiếp tục nắm bắt tình hình cơn bão và có phương án sẵn sàng khi cần ứng phó. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương ven biển và vùng núi tiếp tục thông tin kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để chủ động di dời dân khi cần thiết.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 13 phải rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú bảo đảm an toàn; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và thuyền viên ở nơi neo đậu tránh trú bão. Rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, …
Tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình; đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn...
Xuân Thành - Pháp luật Plus