'Bàn tay vàng' trong làng cắt mác, Khaisilk, Seven.am và những ai chưa bị lộ

14/11/2019 15:10

Kinhte&Xahoi Cắt mác “made in China” để gắn thương hiệu Việt vào, nhiều doanh nghiệp đã bị phát hiện. Có thương hiệu đã phải trả giá bằng việc đóng cửa, biến mất khỏi thị trường.

Hơn 2 năm trước, người tiêu dùng rúng động trước thông tin lụa Khaisilk lừa dối người tiêu dùng bấy lâu nay khi nhập hàng Trung Quốc rồi gắn mác “made in Vietnam”. Ông chủ Hoàng Khải đã thừa nhận sự thật đó.

“Đứa con tinh thần” của ông chủ Hoàng Khải - thương hiệu lụa Khaisilk - dần biến mất. Những cửa hàng xưa kia là niềm tự hào về một thương hiệu Việt, nay đóng cửa hoàn toàn. Còn doanh nhân Hoàng Khải vẫn không bị quên lãng. Ông vẫn được truyền thông, được người tiêu dùng nhớ tới, nhưng theo một cách chẳng ai muốn cả. Đó là là nhớ tới nhân vật chính trong câu chuyện về một doanh nhân làm giàu bằng những hành vi kinh doanh không đúng mực.

Khaisilk đã phải trả giá đắt vì cắt mác Tàu, dán mác Việt vào sản phẩm.

Kết cục của Khaisilk tưởng như sẽ làm cho nhiều người kinh doanh nhìn đó mà làm gương. Nhưng không, lần lượt các vụ việc “đội lốt” hàng Việt Nam, mập mờ nguồn gốc xuất xứ để lừa dối người tiêu dùng vẫn bị phanh phui.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng GĐ xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hóa đơn. "Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác Seven.am. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc", ông Hải Anh nói với báo chí. Mới đây, báo chí lại phản ánh thương hiệu Seven.am dính vào nghi án tương tự chuyện của Khaisilk, tức bị “tố" nhập hàng Trung Quốc sau đó cắt mác để gắn mác của hãng này.

Lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình cho đoàn kiểm tra Đăng ký nhãn hiệu Seven.am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy. Toàn bộ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin "sẽ xuất trình sau".

Trong 5 cửa hàng được kiểm tra sáng 11/11, lực lượng quản lý thị trường chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm. Nhưng lực lượng chức năng đã tạm thu giữ 9.000 sản phẩm vì toàn bộ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm, cửa hàng chưa xuất trình được.

Rồi đây, quản lý thị trường sẽ kiểm tra, làm rõ những tuyên bố của Seven.am có đúng sự thật hay không. Nhưng những rắc rối mà Khaisilk hay Seven.am và nhiều thương hiệu thời trang khác đang gặp phải cho thấy một điều: Người tiêu dùng đang ngày càng để mắt hơn tới nguồn gốc của từng sản phẩm. Không một khách hàng nào chấp nhận bỏ tiền triệu ra để mua hàng chỉ vì niềm tin vào thương hiệu ấy, để rồi bị “bội tín” bởi những “bàn tay vàng trong làng cắt mác”.

Nếu Seven.am thực sự bị “oan” thì qua sự việc này, họ sẽ thêm thận trọng trong quá trình phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Còn ngược lại, thì hậu quả sẽ cay đắng vô cùng.

Chẳng ai muốn có thêm nhiều câu chuyện như Khaisilk cả. Bởi mỗi lần có một vụ việc tày trời như thế bị phát hiện, là thêm một lần người tiêu dùng bị tổn thương sâu sắc. Nhiều lần bị lừa dối, họ sẽ quay lưng lại với những thương hiệu Việt, cho dù có tung tiền chi cho truyền thông, quảng cáo đến đâu đi chăng nữa.

Khách hàng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua được hàng thật đúng với niềm tin họ trao cho thương hiệu, chứ không bao giờ bỏ tiền ra cho những kẻ làm giàu bằng cách lừa dối họ.

Khi đó, những thương hiệu Việt kiểu như vậy sẽ dần không còn chỗ đứng trong tâm trí khách hàng. Mà “thương hiệu Việt” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, đâu phải mạnh khỏe gì. Chẳng hạn với ngành thời trang thôi, thì cũng chỉ là sinh sau đẻ muộn, mới mon men bước ra khỏi phận “gia công” cho những thương hiệu ngoại, làm sao đủ sức để đứng vững trên sân nhà, chứ chưa nói đến vươn ra bên ngoài.

Từng hành vi lừa dối người tiêu dùng bị phát hiện, là thêm một lần đẩy người Việt ra xa hàng Việt hơn. Giờ là thời của hàng Việt chinh phục người Việt, chứ không còn là người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nữa. Chẳng ai tin yêu một thương hiệu chỉ chờ lúc khách hàng chủ quan là lập tức lừa dối.

Cho nên, những thương hiệu Việt thực sự cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nếu những “bàn tay vàng trong làng cắt mác” kia không kịp thời bị loại bỏ hoàn toàn. Trước khi nghĩ đến chuyện “làm hay”, “làm giỏi”, thì doanh nghiệp Việt ít nhất phải “làm đúng”, “làm thật” đã. Chẳng có một đế chế thời trang nào, hay một doanh nghiệp nào lại dựng xây nền móng từ những “viên gạch giả” cả.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Về “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông

“Chiến thuật vùng xám” là hoạt động có chủ đích nhằm “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án và đang được Trung Quốc sử dụng để mở rộng kiểm soát không gian biển, hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, các nhà nghiên cứu quốc tế cảnh báo.

Theo VietNamNet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/ban-tay-vang-trong-lang-cat-mac-khaisilk-sevenam-va-nhung-ai-chua-bi-lo-d111129.html