Bánh kẹo nội sẽ ra sao sau khó khăn vì dịch bệnh Covid-19?

23/09/2021 15:34

Kinhte&Xahoi Vốn đã phải chịu áp lực lớn ngay trên sân nhà trước sự đổ bộ của các thương hiệu ngoại, thị trường bánh kẹo năm nay còn gặp khó khăn “kép” do tác động của đại dịch Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế.

Thị trường bánh kẹo hiện chất lượng, mẫu mã phong phú đa dạng, giá cả cạnh tranh cao.

Khó khăn “kép”

Cách đây hơn 3 năm, kể từ ngày 1/1/2018, theo Nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt – Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết, các sản phẩm bánh kẹo được áp dòng thuế nhập khẩu giảm về 0%. Như vậy là với việc gia nhập thị trường chung ASEAN, Việt Nam đã dễ dàng đón nhận nhiều thương hiệu quốc tế hơn, được ưa chuộng là các sản phẩm từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia và châu Âu…

Tính từ 2018 tới nay, có thể thấy bánh kẹo ngoại nhập đã "phủ sóng" từ đại siêu thị tới chợ truyền thống. Không thể phủ nhận việc thông qua các nghị định mới mở ra cho người tiêu dùng Việt cơ hội tiếp cận hàng ngoại giá phải chăng.Bên cạnh đó, các thương hiệu ngoại cũng tìm cách gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ lên doanh nghiệp nội địa, thậm chí có ý định thâu tóm các nhãn bánh kẹo Việt Nam.

Năm 2015, Công ty Kinh Đô Bình Dương – nay là Mondelez Kinh Đô rao bán mảng bánh kẹo cho nhà đầu tư nước ngoài, chính thức được bàn giao cho Mondelez International. Thương vụ “tay ba” giữa Lotte - Bibica - PAN Group cũng từng là tâm điểm nóng trên thị trường.Đứng trước áp lực từ nhiều phía, doanh nghiệp bánh kẹo Việt đã và đang vô cùng chật vật để có thể trụ vững trên thị trường.

Bước vào năm 2021, đến mùa vụ lớn thứ hai trong năm, chỉ sau vụ Tết của ngành bánh kẹo – mùa Trung thu, thì do nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng sản xuất. Nhiều cửa hàng sản xuất nhỏ lẻ thìkhông sản xuất vì sợ thua lỗ.

Đơn cử, chuỗi sản xuất bánh ABC Bakery cho biết năm nay công ty quyết định không tổ chức sản xuất bánh Trung thu như mọi năm. Nguyên nhân bởi diễn biến dịch Covid-19 vẫn vô cùng phức tạp, xưởng sản xuất thiếu hụt nhân viên do phải đi cách ly hoặc sống trong khu vực bị phong toả cùng với việc nhiều cửa hàng phải tạm ngưng hoạt động do giãn cách xã hội kéo dài tại TP HCM.Tương tự, Tập đoàn KIDO cũng thông báo sẽ không sản xuất bánh Trung thu do ảnh hưởng của Covid-19, bởi chi phí sản xuất tăng rất cao nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều cơ sở, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cũng tỏ ra không mặn mà với thị trường bánh Trung thu. Chủ một cơ sở bánh trung thu có tiếng tại Hà Nội cho biết, năm nay dịch bệnh, cơ sở làm không tuyển được nhân viên lao động thời vụ từ các tỉnh lân cận. Việc nhập nguyên liệu đầu vào khó khăn trong vận chuyển ở thời gian giãn cách, giá thành bị đẩy cao khoảng 20%. Đầu ra cũng chật vật vì thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng làm bánh giảm hơn 50% do nguyên liệu khó nhập và sức mua năm nay giảm.

Tự tin vào tương lai

Gỡ khó trong bối cảnh đại dịch hoành hành, vẫn có doanh nghiệp cố duy trì sản xuất và đẩy mạnh lượng tiêu thụ bằng kênh bán hàng online thông qua các trang giao dịch thương mại điện tử, đưa hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng. Không chỉ có bánh từ xưởng sản xuất nhỏ lẻ, các thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng… cũng đã xuất hiện.

Một số hãng bánh mở rộng kênh phân phối sang trực tuyến bằng cách hợp tác với các sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng với lượng lớn phiếu mua sắm ưu đãi. Đặc biệt, có doanh nghiệp còn tận dụng thị trường trên mạng xã hội hoặc tự xây dựng ứng dụng bán hàng của riêng doanh nghiệp.

Một cửa hàng làm bánh trung thu truyền thống trên đường Thụy Khuê (Hà Nội) trước đây vốn chỉ bán trực tiếp tại điểm sản xuất, muốn mua bánh là khách phải xếp hàng dài chờ đợi thì năm nay cũng phải thay đổi cách bán. Cửa hàng đã thực hiện bán online để một phần giảm tiếp xúc trực tiếp để phòng, chống dịch nhưng cũng làđể tăng thêm lượng hàng bán khi sức mua trên thị trường giảm nhiều.

Còn để “ứng phó” với làn sóng ngoại nhập, nhiều doanh nghiệp nội đã chủ động nhập cuộc, bước vào cuộc đua giành phần trong “miếng bánh hơn 40 nghìn tỷ đồng”, thậm chí tấn công mạnh mẽ, thay đổi để sống còn.Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai nằm trong Bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Là đơn vị sản xuất và phân phối bánh kẹo uy tín hàng đầu Việt Nam, Hoàng Mai sở hữu thương hiệu bánh kẹo Richy, được biết đến với những sản phẩm chất lượng, thơm ngon và hấp dẫn, được hàng triệu người tiêu dùng trong và ngoài nước tin yêu và sử dụng. Suốt gần 2 thập kỷ gắn bó với nhiều thế hệ người Việt, cho đến nay, Hoàng Mai là cái tên quen thuộc trong lòng người dùng, cũng như lọt top doanh nghiệp hàng đầu trong nước.

Lớn mạnh về sản phẩm, Hoàng Mai còn phát triển toàn diện cả về hệ thống phân phối, để thương hiệu được rộng khắp, để những tinh hoa bánh kẹo đến tay mọi người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm của Richy đã có mặt trên 4.800 siêu thị, 100.000 cửa hàng bán lẻ, 300 shop quà lưu niệm tại các sân bay trong nước. Bắt nhịp công nghệ số của thời đại, tên tuổi của Hoàng Mai và thương hiệu Richy cũng phủ sóng trên các kênh mạng xã hội và trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam như Facebook, Youtube, Tiki, Shopee…

Ngoài ra phải kể đến Công ty Cổ phần Bibica, một thương hiệu rất quen thuộc với người tiêu dùng. Công ty cổ phần Bicica đã được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao trong suốt 20 năm hoạt động. Bước ngoặt của Công ty bắt đầu sau khi trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn Lotte. Hiện nay, Bibica có hệ thống phân phối hơn 100.000 điểm bán, 120 nhà phân phối, trên 600 siêu thị/cửa hàng tiện lợi.Thương hiệu Bibica còn lan rộng ra 21 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Cubavà phấn đấu trở thành công ty bánh kẹo hàng đầu Việt Nam.

Bên cạnh đó là hàng loạt các tên tuổi đã ăn sâu trong tâm trí người dân Việt như Hải Hà, Tràng An, Hải Châu, Bảo Minh… Nổi bật, Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh là một trong những công ty sản xuất bánh kẹo lâu đời và khá nổi tiếng tại Việt Nam. Với nhiều năm kinh nghiệm và 50.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, Bảo Minh hiện đang là đối tác với hơn 500 công ty lớn nhỏ. Hay Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại Tràng An, trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển đã kết tinh thành “tinh hoa bánh kẹo Việt” như ngày hôm nay để trở thành một thương hiệu bánh kẹo mạnh của quốc gia.

Theo một số chuyên gia, để cạnh tranh sòng phẳng với bánh kẹo nhập khẩu, nhà sản xuất trong nước trước hết phải phát huy được những lợi thế của mình như am hiểu khẩu vị, văn hóa, tập quán tiêu dùng của khách hàng, đầu tư nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại để cho ra đời những sản phẩm phù hợp văn hóa của người Việt. Quan trọng nhất là phải nắm bắt được sự thay đổi trong xu hướng của người tiêu dùng hướng đến chất lượng với mẫu mã hiện đại, sang trọng và bắt mắt.

Doanh nghiệp cũng cần quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới bao bì và đầu tư xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, bảo đảm tính tiện lợi, dễ tìm mua cho khách hàng, đồng thời chú trọng công tác truyền thông quảng bá. Có như vậy thì hy vọng trong tương laikhông xa, bánh kẹo của người Việt sẽ hiện diện tại các siêu thị ở nhiều nước trên thế giới!

 Anh Thư - Gia Lâm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

4 ứng cử viên cho chức thủ tướng Nhật Bản

Ngày 17/9, cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản đã chính thức bắt đầu, hứa hẹn nhiều bất ngờ khi có tới 4 ứng cử viên tranh cử kế nhiệm Thủ tướng Suga.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/banh-keo-noi-se-ra-sao-sau-kho-khan-vi-dich-benh-covid-19-d166984.html