Bảo vệ trẻ em khỏi những trận bạo hành cần sự vào cuộc của toàn xã hội

23/01/2022 09:29

Kinhte&Xahoi Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, cả nước đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em gây phẫn nộ trong dư luận xã hội. Đáng nói, những đứa trẻ bị bạo hành đều ở độ tuổi rất nhỏ nhưng phải chịu những bạo hành nghiêm trọng về mặt thể xác. Làm thế nào để bảo vệ những đứa trẻ khỏi những trận tra tấn từ ngay những người thân đang là câu hỏi khiến cả xã hội cần tìm lời giải đáp.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng

 Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua đã xảy ra các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em một cách dã man. Đó là vụ bé gái 8 tuổi bị nhân tình của cha bạo hành đến tử vong hay gần đây là vụ bé gái 3 tuổi nhập viện với 9 chiếc đinh găm vào hộp sọ.

Thật phẫn nộ trước sự độc ác, tàn nhẫn mà các nghi phạm gây ra cho nạn nhân - những đứa trẻ yếu thế, không có khả năng phản kháng. Đáng tiếc, những vụ việc như thế đang có xu hướng tăng lên. Điều đó khiến tất cả chúng ta phải đặt ra câu hỏi tại sao và làm sao để ngăn chặn được việc bạo hành, xâm hại trẻ em?

Bị can Nguyễn Trung Huyên - người dùng đinh đóng vào đầu bé gái 3 tuổi (Ảnh do công an cung cấp)

Đáng nói, hiện nay, có nhiều vụ việc bạo hành diễn ra trong các gia đình có bố mẹ ly hôn, con cái phải sống chung với cha dượng, mẹ kế nhưng cũng có không ít trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính cha, mẹ ruột của mình.

Các vụ việc diễn ra không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, ở các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp mà còn ở cả khu vực trung tâm, các đô thị lớn, ở các gia đình có điều kiện kinh tế tốt, có học vấn cao. Điều đó cho thấy tính chất đa dạng và diễn biến phức tạp của các vụ việc bạo hành gia đình; Đồng thời, cũng đòi hỏi những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để từng bước giải quyết tình trạng này.

Tại tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các tư vấn viên nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng - chủ yếu liên quan đến bạo lực trẻ em trong các gia đình, cả đánh đập và bạo hành tinh thần.

Riêng trong năm 2021, thời gian nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 - 50.000 cuộc mỗi tháng. Một nửa số cuộc gọi đến đường dây nóng là trẻ em từ 11-18 tuổi. Có những cuộc gọi trong đêm khẩn cấp do có bạo hành đang xảy ra, các tư vấn viên sẽ gọi ngay cho công an tại địa phương.

9 vật cứng giống đinh găm trong sọ não bé gái

Nói về những vụ việc bạo hành dã man trẻ em thời gian qua, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chia sẻ trong chương trình Sự kiện bình luận: "Sự tàn ác trong các vụ việc hành hạ trẻ em thời gian qua vượt qua sự tưởng tượng tồi tệ nhất của bất kỳ ai, làm cho tất cả người đều rất bức xúc. Có những nguyên nhân sâu xa chúng ta phải tìm ra từ góc độ xã hội, tâm lý, giáo dục.

Nếu xét về góc độ xã hội, tôi nghĩ rằng chúng ta đã quá đầu tư, quá mải mê cho việc tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua những yếu tố xã hội, bỏ qua yếu tố con người, để giáo dục con người thực sự có kỹ năng sống, có đủ phẩm chất để đương đầu với những thay đổi xã hội đang diễn ra rất nhanh. Có những người luôn tìm cách giải tỏa bức xúc của mình lên người yếu thế nhất và rất đáng buồn, trẻ em lại chính là đối tượng để người lớn trút lên tất cả những sự căng thẳng của mình".

Cần có biện pháp cấp bách và lâu dài để bảo vệ trẻ em

 Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm, những câu chuyện ở trên báo chí, mạng xã hội chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

"Nếu các quý vị tiếp cận những câu chuyện mà chúng tôi không thể chia sẻ được bởi liên quan đến bí mật đời tư của mỗi gia đình, mỗi trẻ em thì sẽ thấy mức độ nghiêm trọng. Phần chìm của tảng băng còn ghê gớm hơn rất nhiều", ông Nam chia sẻ.

Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của người lớn. Trước hết là trách nhiệm của cha mẹ, người thân trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, những người hàng xóm xung quanh trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì không có khả năng tố cáo, lên tiếng, không có khả năng phản kháng, thoát khỏi những sự chà đạp, những bạo lực, đặc biệt trong môi trường gia đình.

Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang

"Chúng ta phải nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của những người xung quanh các em. Giải pháp là lên tiếng, tố cáo mọi hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là trong môi trường gia đình. Chính những người thân trong gia đình cũng phải lên tiếng. Những sự việc xảy ra gần đây, chúng ta đã xử lý, xét xử, can thiệp, trừng phạt khá nghiêm khắc, kịp thời bởi các cơ quan luật.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn nói về giải pháp cấp bách và dài hơi hơn bởi những thiết chế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương liên quan đến việc phòng chống và xâm hại trẻ em nói chung và phòng chống bạo lực trẻ em ở trong gia đình nói riêng", ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ: Trẻ em chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cha, mẹ và người chăm sóc mình. Do đó, trách nhiệm bảo vệ trẻ em dưới 5 tuổi hoàn toàn là của người lớn. Trong trường hợp này, cha mẹ và giáo viên mầm non có trách nhiệm giáo dục trẻ một số kỹ năng tự vệ phù hợp với lứa tuổi, ví dụ như không đi theo người lạ, không ăn đồ ăn người lạ cho... Như vậy, trẻ sẽ có được những kiến thức ban đầu về việc tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy cơ về tai nạn, thương tích, bạo lực, xâm hại.

Khi trẻ được đến trường học tập, trẻ cần được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân ở môi trường rộng lớn hơn, không chỉ trong gia đình mà trong cả nhà trường và ngoài xã hội. Trẻ cần phải được biết các quyền của trẻ em; Được biết về việc trẻ em luôn luôn được bảo vệ và được biết khi cần giúp đỡ, tư vấn thì sẽ gọi ai ngoài ông bà, cha mẹ, thầy cô của mình. Ví dụ như, trẻ có thể gọi chú công an, bác tổ trưởng dân phố, hoặc như Tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111.

“Chúng tôi mong muốn tất cả trẻ em đều biết đến Tổng đài này, coi đây là một người bạn có thể trợ giúp bất cứ khi nào các em gặp khó khăn. Chúng tôi cũng rất mong muốn số của Tổng đài sẽ được in trên bìa sách giáo khoa, bìa vở viết của các em ở tất cả các cấp học, để các em có thể nhận biết và tự bảo vệ mình khi cần thiết”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cô gái có khả năng đặc biệt chỉ khoảng 2 % dân số thế giới làm được

Khi còn nhỏ, cô gái Yenny Seo (Australia) thường khiến mẹ mình ngạc nhiên khi nhận ra một người lạ trong cửa hàng tạp hoá và nói rằng đó chính là người đã đi ngang qua trên phố vài tuần trước đó. Không những thế, khi hai mẹ con xem một bộ phim cùng nhau, Seo thường nhận ra những nhân vật quần chúng đã từng xuất hiện trong các bộ phim khác.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bao-ve-tre-em-khoi-nhung-tran-bao-hanh-can-su-vao-cuoc-cua-toan-xa-hoi-188628.html