Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Bàn kỹ, sâu sắc các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô giai đoạn tới

23/02/2022 17:48

Kinhte&Xahoi Chiều 23/2, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) khai mạc Hội nghị lần thứ bảy nhằm thảo luận, cho ý kiến về 4 nội dung quan trọng, liên quan đến phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã gợi mở một số vấn đề trọng tâm để hội nghị tập trung thảo luận.

Đối với Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020, Bí thư Thành ủy cho biết, trên cơ sở tổng kết đánh giá, với mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng Dự thảo Báo cáo, Tờ trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 trình Bộ Chính trị, gồm 3 phần: Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị giai đoạn 2011-2020; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kiến nghị, đề xuất.

Bí thư Thành ủy đề nghị hội nghị cần đánh giá kỹ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của 6 nhóm hạn chế, yếu kém; Từ đó bàn kỹ, bàn sâu về các quan điểm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực sự là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng trong cả nước...

Về Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, để tổ chức tổng kết nội dung này, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm 71 đồng chí, do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, cho ý kiến nhiều vòng và được tiếp thu, hoàn chỉnh.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chủ quan, khách quan của các hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức thi hành Luật và những quy định bất cập trong Luật Thủ đô, từ đó đề xuất giải pháp, biện pháp thực hiện.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Đối với 16 nhóm chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu cần góp ý thẳng vào các chính sách, giải pháp được đề xuất nhằm hoàn thiện cơ bản Luật Thủ đô sửa đổi, tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo.

Về định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch và định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị tập trung thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng, các giải pháp trọng tâm, nhất là 5 định hướng chính, cụ thể là: Nghiên cứu định hướng dự báo dân số; Nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; Nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh trung tâm; Nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; Nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, những nội dung trình Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo. Vì thế, các đại biểu dự họp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Đề án, Báo cáo, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

 Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày Tờ trình về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh trình bày Tờ trình về định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch và định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày tờ trình Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo chương trình làm việc, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ chia thành 4 tổ, tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến đối với 4 nội dung trên.

 

 Tú Linh; Ảnh: Viết Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Các nước ASEAN nỗ lực hồi sinh ngành du lịch

Một số nước trong khu vực ASEAN thông báo sẽ đón du khách quốc tế đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Điều này tạo cú hích rất cần thiết cho ngành công nghiệp không khói vốn bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh hồi sinh.

Hội nghị Thượng đỉnh EU - AU lần thứ 6: Làm mới quan hệ đối tác

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 6 đã được tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào tuần trước. Sự kiện quan trọng này là cơ hội cho việc tăng cường hợp tác giữa EU và AU, với việc xác định tầm nhìn chung cho những thách thức mà cả hai châu lục đang phải đối mặt, đồng thời làm mới mối quan hệ giữa hai đối tác trong nỗ lực vượt qua những thách thức toàn cầu vì hòa bình và thịnh vượng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ban-ky-sau-sac-cac-quan-diem-nhiem-vu-giai-phap-phat-trien-thu-do-giai-doan-toi-190461.html