Biến thể Delta khiến thế giới “chật vật”

10/09/2021 08:45

Kinhte&Xahoi Biến thể Delta được phát hiện lần đầu hồi tháng 12 năm ngoái và nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị toàn cầu. Các biện pháp kiểm soát cũ không hẳn là không hiệu quả nhưng một loạt yếu tố nguy cơ đã gia tăng. Việc nới lỏng hạn chế, mở cửa nhập cảnh quốc tế diễn ra quá sớm đã đe dọa thành quả chống đại dịch của một loạt quốc gia.

Nghi ngờ vắc-xin và không khẩu trang - Mỹ báo động số ca nhập viện tăng vọt

 Sau 6 tháng ổn định, sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến số ca mắc Covid-19 tại xứ sở cờ hoa đã tăng vọt, hệ thống y tế các bang trở nên quá tải. Đặc biệt, trẻ em hiện chiếm khoảng 2,3% tổng số ca nhập viện trên cả nước. Thống kê cũng cho thấy, phần lớn số ca trở nặng và cần chăm sóc y tế đặc biệt là do chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Vắc-xin ngừa Covid-19 đã được chứng minh vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các ca nhập viện và tử vong song hàng chục triệu người Mỹ vẫn chưa chủng ngừa. Thực tế, tốc độ phân phối vắc xin phòng Covid-19 cho người dân của Mỹ, sau thời gian dài dẫn đầu, đang chậm lại đáng kể, đứng sau Liên minh Châu Âu, Anh, Israel về tỷ lệ dân số được tiêm chủng. Nguyên nhân chính của thực trạng này là tâm lý e ngại của người dân về sự an toàn của các loại vắc-xin

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các trường học ở Mỹ đã mở cửa trở lại và số ca nhiễm mới vẫn còn tăng, khẩu trang tiếp tục trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Tâm lý bài vắc-xin đang khiến cuộc chiến chống dịch của Mỹ đảo chiều (Ảnh: AP)

Trong khi nhiều cơ quan y tế kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang đẩy số ca mắc mới ở Mỹ lên các mức cao nhất trong nhiều tháng, vẫn có những bang phản đối yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.

Tại Rapid City, bang South Dakota, các quan chức ngành giáo dục đã ghi nhận gần 300 ca nhiễm trong học sinh và nhân viên trường học kể từ khi các lớp học mở cửa trở lại cách đây chưa đầy 2 tuần. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, đa số thành viên hội đồng trường vẫn bỏ phiếu phản đối đề xuất bắt buộc đeo khẩu trang.

Đến nay, số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã lên tới trên 670.000 người và gần 42 triệu ca nhiễm. Theo dự đoán, con số tử vong do Covid-19 tại Mỹ sẽ lên đến 750.000 người vào ngày 1/12.

Ấn Độ trước đối mặt với một làn sóng dịch Covid-19 mới từ các cuộc tụ tập đông người

 Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã chứng kiến làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay khi có tới 200.000 người tử vong và toàn hệ thống y tế rơi vào khủng hoảng. Làn sóng dịch Covid-19 này bùng phát sau khi Ấn Độ tổ chức cuộc hành hương Kumbh Mela - một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất thế giới, với khoảng 25 triệu tín đồ Hindu tham gia.

Giới chức Ấn Độ cho biết mới đây, bang Kerala đã ghi nhận số ca mắc mới gia tăng trở lại sau khi diễn ra lễ hội Onam vào cuối tháng 8 và đồng thời cảnh báo thành phố Mumbai (thủ phủ tài chính của nước này) đang có nguy cơ đối mặt với một làn sóng dịch Covid-19 mới. Dự kiến, các lễ hội lớn sẽ bắt đầu vào tuần này và thường thu hút nhiều người tham gia.

Chưa kết hợp với các biện pháp phòng chống dịch, Israel loay hoay với biến thể Delta

 Từng là một hình mẫu của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và hiện nay cũng thuộc nhóm nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin trong dân số cao trên thế giới nhưng Israel vẫn phải tiếp tục loay hoay đối phó với biến thể Delta.

Làn sóng lây nhiễm thứ tư tại Israel bùng phát sau khi chính phủ dỡ bỏ gần hết các quy định phòng ngừa liên quan đến dịch bệnh Covid-19, bao gồm giới hạn số lượng người tụ tập, cho phép nhà hàng và các hoạt động kinh doanh tương tự hoạt động trở lại mà không bị hạn chế và đặc biệt là bãi bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín.

Từng là hình mẫu chống đại dịch Covid-19, Israel vẫn phải tiếp tục loay hoay đối phó với biến thể Delta (Ảnh:Miriam Alster/FLASH90)

Quy định này hiện đã được tái áp dụng nhưng trên thực tế việc giám sát thực hiện còn lơi lỏng nên vẫn có nhiều người không thực hiện.

Tiến sỹ Oren Kobiler, Giáo sư chuyên ngành vi sinh vật học và miễn dịch tại trường Đại học Tel Aviv (Israel) chia sẻ: “Tôi cho rằng nguyên nhân chính của làn sóng thứ tư là hành vi của con người chứ không phải biến thể Delta hay sự sụt giảm trong tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Điều tương tự cũng xảy ra ở Anh hay các nước khác đã tiêm vắc-xin đầy đủ. Mọi người không giữ giãn cách và không đeo khẩu trang”.

Tại Việt Nam, bên cạnh đa số người dân đồng lòng với các biện pháp phòng dịch của Chính phủ thì vẫn còn số ít người dân lơ là, chủ quan, đặc biệt là tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19. Chính những tác động này sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục bùng phát và lây lan mạnh trong cộng đồng.

 Trong khi số ca mắc mới do biến thể Delta tăng trên toàn cầu, các chuyên gia y tế lại tiếp tục cảnh báo về biến thể khác có tên Mu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến thể Mu đã xuất hiện ở 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo cập nhật dịch tễ học hàng tuần Covid-19 được công bố vào ngày 31/8 thể hiện biến thể Mu “có một loạt các đột biến cho thấy các đặc tính vô hiệu hóa tác dụng của vắc-xin”.

Ngày 6/9, giới chuyên gia y tế Malaysia cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ biến thể này vì nó có khả năng lây nhiễm cao hơn, độc lực mạnh hơn…

Biến thể Mu, còn được gọi là biến thể B.1.621, lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1. Hiện nó được WHO xếp vào nhóm “biến thể đáng quan tâm”.

Ngọc Ly - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

WHO đang theo dõi biến thể mới có khả năng kháng vắc-xin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bùng phát ở Colombia hồi tháng 1 đầu năm.Theo WHO, biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu chứa các đột biến có khả năng kháng vắc-xin, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về biến thể này.

Nguồn: Pháp luật Plus https://tuoitrethudo.com.vn/bien-the-delta-khien-the-gioi-chat-vat-176818.html