Bộ Công Thương: 11/47 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết

20/05/2023 16:05

Kinhte&Xahoi Với những thách thức đặt ra trong bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng, sử dụng điện tiết kiệm được coi là giải pháp hàng đầu cần được đẩy mạnh truyền thông.

Toàn cảnh tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng” do Tạp chí Công thương tổ chức sáng 20-5, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 11-5, 11/47 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh có xu hướng tăng cao, nhất là các tháng 5, 6, 7. Trong những ngày nắng nóng kéo dài, hệ thống điện miền Bắc có thể gặp khó khăn về nguồn cung.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, năm 2022, Hà Nội có mức tiêu thụ năng lượng đứng đầu toàn quốc. Cùng với đó, vấn đề cân đối nguồn điện, sử dụng năng lượng và sử dụng điện địa bàn ngoài Hà Nội và khu vực phía Bắc nói chung khá phức tạp.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, ngay từ đầu mùa khô 2023, Bộ Công Thương đã có chương trình hành động rất mạnh mẽ để thúc đẩy tiết kiệm điện. Đặc biệt, ngành Điện và các địa phương tổ chức kiểm tra việc sử dụng điện tiết kiệm tại nhiều sở, ban, ngành, doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng…

Bộ Công Thương đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn từ nay đến năm 2025 với những biện pháp triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng, các cơ quan quản lý nhà nước, thúc đẩy việc chuyển dịch sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Sử dụng điện tiết kiệm giúp giảm tải hệ thống điện mùa nắng nóng.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đình Thắng thông tin, năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn; 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành Điện đã xây dựng; 75% doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp... chuyển đổi sang công nghệ mới sử dụng năng lượng ít hơn; xây dựng 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh; tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn đến tận phường và tổ dân phố để tuyên truyền, vận động trực tiếp tới người sử dụng điện tiết kiệm...

Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu thành phố ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, giao cho các cơ quan, ban, ngành của thành phố. Tiêu biểu như Hà Nội, đã tổ chức chương trình cao điểm hè đối với tất cả các đơn vị phân phối điện và các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm với cam kết giảm bớt sử dụng điện vào giờ cao điểm.

“Chúng tôi xây dựng sổ tay, hướng dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị, toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng giao cho các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình tập huấn trực tiếp tại 30 quận, huyện, thị xã về mô hình, cách sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm”, ông Thắng cho biết thêm.

Lam Giang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh tế Pakistan: Bên bờ vực vỡ nợ

Nhiều năm quản lý tài chính sai lầm và bất ổn chính trị đã đẩy nền kinh tế Pakistan đến bờ vực sụp đổ. Tình hình gần đây càng trầm trọng hơn bởi hậu quả của trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 9-2022 và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Sự chậm trễ trong các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khiến dư luận lo ngại Pakistan sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng vỡ nợ.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1064899/bo-cong-thuong-1147-ho-thuy-dien-lon-da-ve-muc-nuoc-chet-hoac-gan-muc-nuoc-chet