Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021: Từ bảo vệ đến trao quyền cho lao động nữ

02/01/2021 10:14

Kinhte&Xahoi Phụ nữ Việt Nam đã và đang giữ một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Hơn 70% phụ nữ trong độ tuổi lao động đang có việc làm hoặc trong quá trình tìm việc là con số lớn so với mức trung bình chỉ 48% trên thế giới.

Huấn luyện viên thể thao Dương Thị Mai (giữa) và các vận động viên.

Mặc dù vậy, ở Việt Nam, phụ nữ vẫn chưa được đền đáp bằng sự bình đẳng. Hiện người lao động nữ làm công ăn lương tại Việt Nam có thu nhập trung bình tháng thấp hơn nam giới khoảng 11% và tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí quản lý chưa đầy 28%.

Được thông qua vào tháng 11/2019 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi của Việt Nam hướng tới giải quyết các khoảng cách về giới còn hiện hữu, hay nói cách khác là chạm tới một số lĩnh vực đang tồn tại bất bình đẳng. Điều này đảm bảo phụ nữ có thể nhận được thành quả xứng đáng cho những đóng góp của mình, thông qua giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Được lựa chọn để có sự nghiệp

Tháng 11/2019, khi nghe tin Quốc hội thông qua BLLĐ sửa đổi, trong đó có điều luật thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (giảm số năm chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm; tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ sẽ tăng dần đến 60 tuổi, thay vì 55 tuổi), chị Dương Thị Mai, 35 tuổi, huấn luyện viên thể thao của tỉnh Thái Nguyên rất hài lòng với sự thay đổi này. 

Chị cho biết, bản thân đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn, luôn phải cố gắng với hơn 100% khả năng để có thể vừa đảm bảo yêu cầu của công việc, vừa chăm lo gia đình và phấn đấu trong sự nghiệp. 

“Huấn luyện viên nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, phải bỏ lỡ những cơ hội đào tạo tập huấn quý giá trong thời gian có bầu. Đến khi hoàn thành giai đoạn sinh con và chăm con vất vả nhất, đó là lúc phụ nữ có thể phát huy tối đa năng lực của mình cho công việc, thì tiếc thay sự nghiệp của họ cũng không còn nhiều thời gian. Vì thế tôi thấy mừng vì BLLĐ cho phép phụ nữ nghỉ hưu muộn hơn. Bản thân là người thích làm việc, tôi cho rằng nam nữ cần phải được bình đẳng như nhau trong công việc. Điều này sẽ giúp phụ nữ có cơ hội để khẳng định mình trong sự nghiệp như nam giới” – chị tâm sự.

Không chỉ thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu, BLLĐ sửa đổi cũng giúp giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ, bảo vệ tốt hơn người lao động nữ trong quá trình mang thai và nuôi con nhỏ. Nhiều nghề hoặc công việc lúc trước cấm sử dụng lao động nữ với mục đích bảo vệ họ thì giờ đây đã mở cửa với nữ giới và cho họ quyền lựa chọn làm hoặc không làm.

Còn nhớ, trong một lần trao đổi với truyền thông, Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế - ILO Việt Nam từng đưa một ví dụ về việc tạo bình đẳng trong cơ hội và đối xử thì tất cả mọi người đều được hưởng lợi. 

Theo Tiến sĩ Chang-Hee Lee, trước đây, các công việc trong hầm mỏ dưới lòng đất không dành cho phụ nữ. Chính ILO đã từng có tiêu chuẩn lao động quốc tế nghiêm cấm điều đó kể từ năm 1935 và Việt Nam hiện vẫn phê chuẩn công ước đó. Nhưng ở các nước khai thác mỏ lớn như Nam Phi hay Úc, ngành công nghiệp khai thác mỏ đã tiếp nhận lao động nữ cũng nhiều năm nay rồi. Công nghệ giúp phụ nữ có thể sử dụng những thiết bị ban đầu chỉ thiết kế cho nam giới. Điều này mang lại ích lợi cho phụ nữ, cho tăng trưởng kinh tế và cũng góp phần gắn kết xã hội bởi lâu nay tất cả những cộng đồng khai thác mỏ này đều nằm ở khu vực xa xôi và chỉ có lao động nam. 

Chị Ngô Thị Kim Thanh, quản lý cấp trung tại một doanh nghiệp dệt may ở tỉnh Nam Định, đánh giá cao sự thay đổi trong cách tiếp cận mới của BLLĐ sửa đổi.  Là một người mẹ trẻ đang mang thai, chị muốn được tự quyết định có đi công tác, làm ca tối, hoặc làm một số công việc nhất định hay không. “Đó nên là lựa chọn của chính người phụ nữ” - chị chia sẻ.

Hành trình còn gian nan

Cụm từ “từ bảo vệ đến trao quyền” đã từng được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu trong một hội nghị, cho biết lần sửa đổi BLLĐ này là cơ hội để hoàn thiện chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, là lúc Việt Nam thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “đảm bảo quyền đối với mọi người lao động, cả nữ và nam”.

Đúng như vậy khi thực tế chứng minh nữ công nhân ở Việt Nam sẽ ý thức được về quyền lợi bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn khi họ được trang bị thông qua kiến thức về những vấn đề liên quan đến quyền này. 

“Hỗ trợ mở rộng Bảo vệ sức khỏe xã hội ở Đông Nam Á (ILO-Lux)” là dự án hợp tác của ILO với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để xây dựng các công cụ truyền thông hiệu quả hỗ trợ các cán bộ công đoàn truyền đạt tốt hơn các quyền lợi và quy trình thủ tục liên quan đến sức khỏe cho người lao động.

Có tới 60% công nhân tại các khu công nghiệp trong nước là phụ nữ, nhưng kết quả khảo sát được thực hiện ở các tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương cho thấy chỉ có 57% người lao động nhận thức được mức hưởng cho nghỉ thai sản và chỉ một phần ba số người tham gia biết họ được hưởng bao nhiêu ngày nghỉ ốm. Những người tham gia cũng không nắm rõ về cơ chế đồng chi trả và khoảng 40% số người được hỏi không biết về mức đóng góp của họ cho BHYT.

Hơn một nửa số người có thẻ BHYT tham gia nghiên cứu đã báo cáo sử dụng các cơ sở y tế không phải cơ sở đăng ký ban đầu, khiến cho việc thụ hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT bị hạn chế. Lý do thường được công nhân nhắc tới nhiều nhất là cơ sở y tế đó xa nhà, sau đó là giờ phục vụ bất tiện, thời gian chờ đợi lâu và không hài lòng với các dịch vụ y tế. Báo cáo cũng chỉ ra rằng rất ít công nhân gọi tới đường dây nóng của BHXH hoặc tham khảo trang web chính thức của BHXH để biết thông tin...

Khảo sát tại Bắc Ninh và Bình Dương đã cho thấy nếu lao động nữ chỉ đăng ký tham gia BHXH, BHYT sẽ là không đủ để đảm bảo bao phủ hiệu quả cho các nhóm dễ bị tổn thương. Họ phải có sự hiểu biết thấu đáo về quyền lợi sức khỏe và cách thức để hưởng các quyền đó một cách đầy đủ, để họ có thể lên tiếng khi quyền lợi của họ không được bảo vệ và tránh các khoản thanh toán chi trả tiền túi không cần thiết, bà Marielle Phe Goursat, quản lý dự án ILO-Lux cho biết.

Có một thực tiễn dễ nhận thấy là ranh giới giữa việc bảo vệ quyền của phụ nữ và cơ hội giành cho họ khá mờ nhạt. Vẫn còn một khoảng cách lớn để lao động nữ tại Việt Nam có thể bình đẳng với nam giới. Trong khi đó, với tình hình dân số đang già hóa, Việt Nam phải tăng năng suất, phải nâng cao trình độ kỹ năng để tận dụng tốt nhất tiềm năng về năng suất lao động của mỗi người. Vì thế, càng cần thêm nhiều người phụ nữ có thể hiện thực hóa tiềm năng của mình trên thị trường lao động và được đền đáp xứng đáng.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để cải thiện vấn đề này, Tiến sĩ Chang-Hee Lee cho rằng vấn đề nằm ở lối tư duy chứ không chỉ là vấn đề soạn luật. Gần một nửa lực lượng lao động của Việt Nam là nữ giới nên những vấn đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng là nội dung mà Bộ luật Lao động có thể tiếp tục cải thiện. 

“Trợ cấp thai sản cần được củng cố, khả năng tiếp cận với dịch vụ giúp việc gia đình với giá hợp lý, bảo vệ chống quấy rối tình dục và mở ra nhiều hơn cơ hội cho phụ nữ trong các ngành nghề và hoạt động kinh tế mà trước đây không cho phép phụ nữ tham gia vì mục đích bảo vệ”, Tiến sĩ Chang-Hee Lee nhấn mạnh. 

 Hồng Minh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thế giới ghi nhận trên 80,8 triệu người mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 27/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 80.818.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có hơn 1.766.000 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là hơn 57.000.000 người.

Nổ lớn rung chuyển thành phố Nashville

Vụ nổ đã làm rung chuyển các tòa nhà gần hiện trường, trong đó một số tòa bị hư hại, khói đen do cháy nổ được nhìn thấy bốc lên tại hiện trường.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-luat-lao-dong-sua-doi-co-hieu-luc-tu-1-1-2021-tu-bao-ve-den-trao-quyen-cho-lao-dong-nu-d145006.html