Bức tranh tài chính các doanh nghiệp thuộc nhóm PCC-1 Group có gì đáng lưu ý?

24/08/2023 13:44

Kinhte&Xahoi CTCP Tập đoàn Xây lắp 1 - Petrolimex (PCC-1 Group) có 7 công ty con, tham gia vào rất nhiều lĩnh vực kinh tế, đóng góp không nhỏ vào doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này. Nhưng phần lớn là kinh doanh chưa hiệu quả, có doanh nghiệp nằm trong kế hoạch giải thể.

CTCP Tập đoàn Xây lắp 1 - Petrolimex (PCC-1 Group, Mã UpCOM: PCC) được thành lập vào ngày 17/3/1969. Đến ngày 14/11/2017, cổ phiếu của Công ty chính thức giao dịch trên thị trường UpCOM với mã chứng khoán là PCC.

Doanh nghiệp tham gia vào một loạt các ngành nghề, lĩnh vực như gia công lắp đặt bồn bể chứa xăng dầu, hóa dầu, ống công nghệ, cung cấp bê tông thương phẩm, cọc bê tông dự ứng lực, gỗ nhựa compozit, bãi đỗ xe thông minh và các sản phẩm khác phục vụ cho xây dựng dân dụng, công nghiệp…

Ảnh: pcc1.petrolimex.com.vn

Nợ phải trả "phình to"

Tại thời điểm 31/12/2022, CTCP Tập đoàn Xây lắp 1 - Petrolimex  có vốn điều lệ là 115 tỷ đồng, trong đó các cổ đông gồm: CTCP – Tổng Công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (30,0%), Tổng Công ty Bảo hiểm Petrolimex (10,0%), Ông Phạm Minh Tâm – đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty (10,44%) và các cổ đông khác (49,56%).

Về kết quả kinh doanh, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, PCC-1 Group ghi nhận doanh thu thuần hơn gần 766 tỷ đồng, tăng thêm 24% so với năm 2021. Sau khi trừ đi các chi phí, CTCP Tập đoàn Xây lắp 1 – Petrolimex đạt lợi nhuận sau thuế hơn 13,2 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 6,4% so với năm trước.

Năm 2023, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác là 900 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế là hơn 25 tỷ đồng, đều tăng so với năm trước.

Về nguồn vốn, tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của PCC-1 Group đã tăng hơn 250 tỷ đồng so với hồi đầu năm và cao gấp 2,59 lần so với vốn chủ sở hữu, chiếm hơn 76% tổng tài sản công ty.

Đáng chú ý, nguyên nhân của khiến nợ phải trả của Công ty "phình to" nhanh chóng, chủ yếu đến từ việc nợ dài hạn tăng từ gần 43 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 300 tỷ đồng ở thời điểm kết thúc năm 2022.

Đặc biệt hạng mục phải trả dài hạn khác của PCC-1 Group ở ngày 31/12/2022 ghi nhận con số hơn 269 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 750 triệu đồng hồi đầu năm, chủ yếu do doanh nghiệp ghi nhận thêm khoản phải trả về hợp tác kinh doanh – trị giá hơn 268 tỷ đồng. Được biết, đây là khoản mà CTCP Tập đoàn Xây lắp 1 – Petrolimex phải trả cho CTCP Tập đoàn VIDEC góp vốn liên quan tới hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai doanh nghiệp về việc đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng khu nhà ở dịch vụ xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội”.

Kết thúc năm 2022, PCC-1 Group cũng ghi nhận số nợ xấu là hơn 46,8 tỷ đồng, “phình to” thêm đến 25% so với thời điểm đầu năm.

Ở thời điểm ngày 31/12/2022, các khoản nợ xấu lớn nhất có thể kể đến tại CTCP Vận tải biển và BĐS Việt Hải (hơn 2,78 tỷ đồng), CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí (hơn 2,78 tỷ đồng), CTCP Xây lắp Thành An (hơn 2,83 tỷ đồng), Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại (hơn 2,4 tỷ đồng)…

Bên cạnh hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ, PCC-1 Group cũng có một “hệ sinh thái” với các công ty con, tham gia vào rất nhiều lĩnh vực kinh tế, đóng góp không nhỏ vào doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn có lãi, mà phần nhiều là "lỗ". 

Cụ thể, PCC-1 Group đang có 7 Công ty con, bao gồm: Công ty TNHH Bê Tông & Xây lắp Petrolimex; Công ty CP Bãi đỗ xa tự động PCC-1 NISSEITIC; Công ty TNHH MTV PCC-1 Hà Nội; Công ty TNHH MTV PCC-1 Sài Gòn; Công ty TNHH MTV PCC-1 Chế tạo bồn bể - Ống công nghệ & Kết cấu thép; Công ty TNHH MTV Gỗ nhựa PCC-1; Công ty CP PCC-1 Homes (Số liệu tính tới ngày 31/12/2022).

Nhiều doanh nghiệp trong nhóm PCC-1 Group kinh doanh chưa hiệu quả

Công ty TNHH Bê Tông & Xây lắp Petrolimex có lẽ là một trong những Công ty con làm ăn hiệu quả nhất trong hệ sinh thái của CTCP Tập đoàn Xây lắp 1 - Petrolimex.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, lợi nhuận của Công ty TNHH Bê Tông & Xây lắp Petrolimex duy trì ổn định ở mức 11,5 tỷ đồng (năm 2020), 9 tỷ đồng (năm 2021) và 16,2 tỷ đồng (năm 2022).

Dù vậy, có một chỉ tiêu đáng lưu ý đó là nợ phải trả đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn vốn của công ty. Tại ngày 31/12/2022, Công ty TNHH Bê Tông & Xây lắp Petrolimex ghi nhận nợ phải trả là gần 220 tỷ đồng, gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Trong kỳ, để bù đắp dòng tiền, công ty đã tăng cường đi vay với tổng trị giá là hơn 79,3 tỷ đồng, cao hơn 20 tỷ đồng so với năm 2021, giúp cho các khoản tiền và tương đương tiền cuối kỳ ghi nhận ở mức dương 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào thuộc nhóm PCC-1 Group cũng có được kết quả tích cực như trên, thậm chí có doanh nghiệp còn báo lỗ triền miên.

Tại Báo cáo gửi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, HĐQT Công ty đã đánh giá, tại các Công ty PCC-1 Hà Nội, PCC-1 Sài Gòn và PCC-1 TPS các công việc sản xuất kinh doanh liên quan đến Công việc chính của Công ty mẹ, hệ thống điều hành còn nhiều lúng túng, kinh doanh chưa hiệu quả.

Đặc biệt, công tác hạch toán giữa Công ty mẹ và Công ty con chưa mạch lạc, còn nhiều lúng túng trong công tác điều hành chứng từ. Việc giao vốn, hạch toán thuê máy móc, khấu hao máy móc giữa mẹ và con còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tới hạch toán và năng lực sản xuất chung.

Ảnh minh họa. (Nguồn: pcc1.petrolimex.com.vn)

Đơn cử tại PCC-1 Sài Gòn (doanh nghiệp có tên đầy đủ là Công ty TNHH MTV PCC-1 Sài Gòn), do PCC-1 Group sở hữu tỷ lệ quyền biểu quyết tại đây là 100%.

Năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 77,3 tỷ đồng, nhưng lại lao dốc trong hai năm liên tiếp. Theo đó, doanh thu năm 2021 của PCC-1 Sài Gòn giảm xuống chỉ còn 28,8 tỷ đồng và 2022 chỉ còn 19,6 tỷ đồng.

Thậm chí trong năm 2022, doanh thu của Công ty còn không đủ để bù đắp cho giá vốn bán hàng, khiến cho lợi nhuận gộp âm tới 1,4 tỷ đồng.

Cùng với sự đi xuống của doanh thu, lợi nhuận sau thuế của PCC-1 Sài Gòn cũng báo lỗ trong ba năm gần nhất: Năm 2020 lỗ sau thuế 2,1 tỷ đồng, năm 2021 lỗ gần 360 triệu đồng và năm 2022 lỗ hơn 3,7 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, PCC-1 Sài Gòn ghi nhận nợ phải trả là hơn 58,8 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm đầu năm và cao gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu của Công ty.

Ảnh minh họa. (Nguồn: pcc1.petrolimex.com.vn)

Cùng có kết quả kinh doanh không mấy tích cực đó là PCC-1 TPS (doanh nghiệp có tên đầy đủ là Công ty TNHH MTV PCC-1 Chế tạo bồn bể - Ống công nghệ & Kết cấu thép), do PCC-1 Group sở hữu tỷ lệ quyền biểu quyết tại đây là 100%.

Giống như trường hợp của PCC-1 Sài Gòn, PCC-1 TPS ghi nhận doanh thu lao dốc qua các năm, khi năm sau chỉ bằng chưa đến một nửa năm trước. Cụ thể, doanh thu năm 2020 của PCC-1 TPS là hơn 57,4 tỷ đồng, giảm xuống còn 25,2 tỷ đồng trong năm 2021 và 12,2 tỷ đồng trong năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty cũng đảo chiều từ dương sang âm: Năm 2020 báo lãi hơn 80 triệu đồng, sang đến năm 2021 và 2022 lần lượt lỗ gần 2,4 tỷ đồng và hơn 4,3 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, PCC-1 TPS cũng ghi nhận khoản tiền và tương đương tiền giảm chỉ còn vỏn vẹn hơn 72 triệu đồng.

Tại Báo cáo gửi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, HĐQT Công ty đã đã đề nghị phương án tái cấu trúc lại một số đơn vị, trong đó, tại PCC-1 Sài Gòn và PCC-1 TPS đề xuất phương án giảm vốn, cấu trúc lại nhân sự, giảm bớt nhân sự khâu trung gian, tạo sự điều hành tinh gọn từ công ty mẹ tới công ty con. Chuyển đổi PCC-1 Sài Gòn và PCC-1 TPS thành các chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Hay một trường hợp khác đó là PCC-1 PNT, HĐQT PCC-1 Group đánh giá, Công ty đã có sản lượng tăng vào các tháng cuối năm 2022, tuy nhiên công tác quản lý của Ban điều hành còn nhiều lúng túng, cần có sự thay đổi chông việc hạch toán trước và sau đấu thầu.

Ảnh minh họa (Nguồn: pcc1.petrolimex.com.vn)

Được biết PCC-1 PNT (tên đầy đủ là: Công ty CP Bãi đỗ xe tự động PCC-1 NISSEI TIC), do PCC-1 Group sở hữu tỷ lệ quyền biểu quyết tại đây là 51%.

Trong 3 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Công ty cũng có sự “trồi sụt”, khi doanh thu năm 2020 đạt hơn 9,9 tỷ đồng, giảm chỉ còn 7,5 tỷ đồng trong năm 2021 và tăng vọt lên hơn 11,5 tỷ đồng trong năm 2022.

Giai đoạn 2020 – 2022, lợi nhuận sau thuế của PCC-1 PNT cũng nằm dưới ngưỡng 200 triệu đồng, cụ thể: 191 triệu đồng (năm 2020), 120 triệu đồng (năm 2021) và 157 triệu đồng (năm 2022).

Đáng chú ý, đối với trường hợp của Công ty Gỗ nhựa PCC-1, HĐQT Công ty đề xuất phương án định giá tài sản để chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Gỗ nhựa và kinh doanh thương mại, bán cổ phần 100% bằng định giá bán cho một số cổ đông chiến lược và thu hồi vốn về Công ty mẹ.

Ảnh minh họa. (nguồn: pcc1.petrolimex.com.vn)

Công ty Gỗ nhựa PCC-1 (Tên đầy đủ là: Công ty TNHH MTV Gỗ nhựa PCC-1) là công ty con của PCC-1 Group với tỷ lệ quyền biểu quyết là 100%, được biết đến với các sản phẩm gỗ nhựa trên thị trường nội thất.

Trong giai đoạn 3 năm qua, Công ty TNHH MTV Gỗ nhựa PCC-1 ghi nhận doanh thu ổn định quanh mức 36,3 tỷ đồng (năm 2020), 42,1 tỷ đồng (năm 2021) và 43,7 tỷ đồng (năm 2023).

Tuy vậy, do giá vốn bán hàng luôn chiếm một phần lớn trong cơ cấu tài chính của công ty, dẫn đến lợi nhuận trước thuế của Công ty TNHH MTV Gỗ nhựa PCC-1 thường chỉ loanh quanh ngưỡng 1 tỷ đồng qua các năm: Năm 2020 là 222 triệu đồng, năm 2021 là 1,1 tỷ đồng và năm 2022 là trên 1 tỷ đồng.

Văn phòng Công ty PCC-1 Homes (Ảnh: pcc1.petrolimex.com.vn)

Còn đối với trường hợp của Công ty CP PCC-1 Homes (PCC-1 Group có tỷ lệ quyền biểu quyết tại đây là 60%), hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này cũng được nhắc đến trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của PCC-1 Group.

Theo đó, với tờ trình dự án 157 Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của PCC-1 Group đã nhất trí thông qua nội dung giải thể Công ty PCC-1 Homes và thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Bê Tông & Xây lắp Petrolimex (Ảnh: Nguyễn Thắng)

Bên ngoài khu đất có địa chỉ tại số 157 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh theo ghi nhận vào cuối tháng 8/2023.Bên ngoài khu đất có địa chỉ tại số 157 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh theo ghi nhận vào cuối tháng 8/2023.

Liên quan đến Công ty TNHH Bê Tông & Xây lắp Petrolimex, như Pháp luật Plus từng thông tin, vào thời gian đầu năm 2023, người dân sinh sống trên phố Đức Giang, phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) đã từng phản ánh nỗi bức xúc vì trạm trộn bê tông của doanh nghiệp này ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trong nhiều năm qua.

Trước ý kiến của cử tri, UBND quận Long Biên đã ban hành văn bản số 854/UBND-TNMT về việc chỉ đạo sau kiểm tra, xác minh phản ánh của người dân về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Bê tông và Xây lắp Petrolimex, địa chỉ số 157 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh.

Văn bản nêu rõ, căn cứ Báo cáo số 48 /BC-TNMT ngày 27/4/2023 của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Long Biên yêu cầu Công ty TNHH Bê tông và Xây lắp Petrolimex dừng hoạt động sản xuất bê tông tại địa chỉ số 157 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

Cùng với đó, giao Công an quận Long Biên tổ chức giám sát việc dừng hoạt động của Trạm trộn bê tông - Công ty TNHH Bê tông và Xây lắp Petrolimex. Phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường xử lý các hành vi vi phạm theo quy định trong trường hợp cơ sở cố tình hoạt động trái phép.

Những Công ty con thuộc nhóm PCC-1 Group đang tham gia vào rất nhiều lĩnh vực kinh tế, đóng góp không nhỏ vào doanh thu và lợi nhuận chung. Bởi vậy, sức khỏe tài chính của các Công ty con này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất, kinh doanh của PCC-1 Group.

Dù vậy, trong những năm gần đây, có thể thấy một số Công ty con của PCC-1 Group đang ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh không mấy thuận lợi như PCC-1 TPS, PCC-1 Sài Gòn hay PCC-1 Hà Nội... Như đã đề cập thì một số Công ty con như PCC-1 TPS và PCC-1 Sài Gòn thậm chị còn ghi nhận lợi nhuận là con số âm trong 2 - 3 năm gần đây, với khoản lỗ năm sau cao hơn năm trước...

Hay đối với trường hợp của Công ty TNHH Bê Tông & Xây lắp Petrolimex dù vẫn có lợi nhuận dương nhưng đồng thời lại đang ôm số nợ khủng, với nợ phải trả lên đến gần 220 tỷ đồng, gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Có thể thấy, kết quả kinh doanh của các Công ty con đang "phác họa" rõ ràng hơn phần nào bức tranh tài chính của Công ty mẹ và toàn thể hệ sinh thái PCC-1 Group trong giai đoạn vừa qua.

Lê Hải - Thanh Bình - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàn Quốc coi Covid-19 như cúm mùa

Hàn Quốc sẽ hạ mức độ lây nhiễm Covid-19 xuống mức thấp nhất để quản lý căn bệnh như cúm mùa, dỡ bỏ gần như tất cả hạn chế và hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch, Yonhap dẫn nguồn tin từ các cơ quan y tế cho biết sáng 23-8.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/buc-tranh-tai-chinh-cac-doanh-nghiep-thuoc-nhom-pcc-1-group-co-gi-dang-luu-y-d197737.html