Bùng phát nạn móc túi ở Paris

16/09/2019 15:51

Kinhte&Xahoi Thủ đô Paris - Pháp là điểm đến quan trọng của du khách khắp thế giới, mấy năm gần đây là du khách châu Á. Tuy nhiên, nạn móc túi đang bùng phát khiến chính quyền sở tại "đau đầu".

"Chúng ta đang đi cùng chuyến tàu với những tên móc túi". Loa phóng thanh nhắc đi nhắc lại câu này ở những ga lớn như gare du Nord, Châtelet-les-Halls và trên những tuyến quan trọng có nhiều du khách, chẳng hạn như đường 6 đi ngang tháp Eiffel...

Số vụ móc túi tăng 33%

Cảnh sát Paris báo động từ đầu năm đến nay, số vụ móc túi tăng 33%. Và có vẻ như cảnh sát bó tay vì bọn chúng đa số là vị thành niên. Khi cảnh sát gọi, chúng trưng giấy tờ photocopy ra và dõng dạc như ngầm thách thức "ông không làm gì được tôi đâu: Tôi mới 15 tuổi".

Pickpocket (kẻ móc túi) đa phần là những đối tượng đến từ bộ tộc Rom ở Romania nhưng người Romania luôn phủ nhận chúng.

10 lời khuyên tránh bị móc túi: 1. Tránh dùng balô hoặc nên đeo ngược phía trước; 2. Đeo chéo túi bao tử trước ngực hoặc ngang bụng; 3. Tăng cường cảnh giác tại những địa điểm du lịch danh tiếng; 4. Cất ví tiền và giấy tờ ở túi áo trong hoặc ngăn túi có khóa kéo; 5. Không quay lưng lại hành lý; 6. Ăn mặc và ứng xử tự nhiên, tránh bị nhận diện là khách du lịch; 7. Đừng để lộ tiền bạc hoặc vật quý giá ra ngoài; 8. Kẻ móc túi thường lẩn vào đám đông và ăn mặc giống khách du lịch; 9. Cảnh giác trước mọi tình huống bất thường; 10. Chỉ giữ ít tiền mặt đủ dùng trong người Biểu đồ: Le Parisien

Cách đây mấy năm, thời tổng thống Nicolas Sarkozy, ông cho gom hết chúng lại, phát mỗi người 200 euro và chở qua biên giới bàn giao. Nhưng rồi mọi chuyện như bắt cóc bỏ dĩa.

Chúng thường đi thành nhóm 5-10 người, khi tàu đến thì hòa vào dòng người len lỏi lên tàu và thừa cơ móc, rạch túi, giỏ.... Tàu chuẩn bị chạy là chúng nhảy xuống, chờ tàu mới đến. Gérard, một người quen gần nhà, nói với tôi: "Thấy chúng tránh xa, không nên lên toa xe có chúng".

Cái khó là làm sao biết chúng? Đối với người đi tàu hằng ngày thì chuyện đơn giản thôi. Nhưng phần đông du khách, "mồi ngon" của chúng, lại khá hớ hênh. Chuyện mất điện thoại là bình thường.

Hôm 8-9, ngày thứ nhì đến Paris, tôi đã gặp ngay bọn chúng ở Châtelet. Ba cô gái trẻ chen chúc lên tàu, chúng nhắm một phụ nữ trung niên tay xách vali, giỏ đeo ngang hông. May, người phụ nữ này rất rành bọn chúng nên khi phát hiện giỏ xách động đậy, bà thúc cùi chỏ ngay lập tức. Người chồng đi cùng lớn tiếng, chúng tản ra.

Một lần khác ở bến Nation, tôi được thấy dụng cụ hành nghề của chúng, một giỏ xách màu vàng cho phù hợp da tay đeo trước bụng, hông giỏ có đường rạch. Chúng cho tay vào miệng giỏ và thò ra ở chỗ rạch định móc ví người đàn ông nhưng bị phát hiện. Lần khác, tôi lên thang cuốn, lập tức một thiếu niên bước theo đứng ở bậc sát tôi, nghe động đậy hông áo da, tôi quay lại la lớn. Nó tỉnh bơ giơ cái điện thoại đang cầm trên tay ra, giả như mải xem và lỡ chạm. Một ông khách đi phía sau thấy rõ, vọt lên chỉ mặt thằng bé nói: "Tao thấy mày cho tay vào túi ông này". Thế nhưng, mọi chuyện cũng trôi qua, đường ai nấy đi.

Hình ảnh camera ghi lại một vụ móc túi ở ParisẢnh: BFMTV
Một nhóm ROM giả làm nhân viên xin tiền từ thiện của Quỹ cứu trợ bệnh nhân tim, chận du khách vờ xin ký tên đóng góp để đồng bon móc túi

Cảnh giác, cảnh giác và cảnh giác

Chúng rất chuyên nghiệp, khi móc xong thì lập tức chuyền cho đồng bọn đi kèm. Còn bắt được chúng thì chẳng có gì gọi là quả tang vì "chỗ đông người chật chội, lỡ đụng chạm tí thôi"!

Những du khách châu Á là "mồi" ngon mà chúng thích. Nhất là người Việt Nam, thế nào trong bóp cũng có vài trăm, thậm chí vài ngàn euro. Trong khi người dân tại chỗ trong ví chỉ vài chục tiền lẻ vì họ toàn dùng thẻ.

Do đó, tuyệt đối không mang tiền mặt nhiều, không để ví ở túi quần sau đối với nam. Còn phụ nữ, mang giỏ, bóp đầm chỉ để chụp hình và đựng chút đỉnh son phấn, vài đồng tiền lẻ. Còn lại, tiền và giấy tờ nên để trong một túi nhỏ mỏng đeo trước bụng, bên trong áo. Mùa lạnh thì tiện hơn, để túi trong trước ngực của áo khoác, đến những điểm đông, kéo khóa lại cho chắc. Cần nhớ, mất passport là khốn khổ nhất. Nên cất passport trong vali ở nhà, trước khi đi, photocopy cái passport rồi bọc nhựa đem theo xài. Pháp không cần công chứng gì cả, có công chứng cũng không chấp nhận, ở đây chỉ xác thực của sứ quán mới có giá trị.

Lên métro, không còn chỗ ngồi buộc phải đứng, nếu có thể thì cố gắng dựa lưng vào cửa bên đóng, vào lưng ghế, tránh chừa chỗ để bọn chúng có thể len sau lưng.

Một điều cần lưu ý thêm, ở nhà ga métro, hạn chế nhận sự giúp đỡ của ai đó nếu không quá cần thiết. Đã có trường hợp tàu đến, một sinh viên ở tỉnh lên cúi xuống khiêng cái vali nặng trịch, gần đó có một nhóm thanh niên đứng nói chuyện, một người trong số này chạy đến khiêng giúp, thảy vali lên tàu. Tranh thủ lúc anh sinh viên khom lưng khiêng, một tên khác lẻn sau lưng móc cái bóp ở túi quần. Rượt theo nó thì tàu chạy, mất vali nên anh sinh viên đành bỏ cái bóp.

Pickpocket nam thường hành sự riêng lẻ trên sân ga. Rất dễ nhận ra chúng, khi tàu đến thì không lên, chỉ lang thang trên sân, mắt nhìn láo liên. Các hành khách thật thường vội, đến đi định hướng rõ ràng, không như chúng.

Một điều cần ghi nhớ nữa là tránh mang balô trên lưng ở chỗ đông người chen chúc, mà nên chuyển qua đeo trước ngực. Ăn mặc thì cố gắng giống dân địa phương càng tốt, tuy điều này hơi khó vì du khách thường thích mặc đẹp để chụp hình.

Một dạng khác của pickpocket là giả làm nhân viên từ thiện, tay cầm xấp giấy gặp du khách là nhào đến. Chúng thường tụ tập thành nhóm 5-7 người ở các quảng trường, phố xá đông du khách như Place Trocadéro, lối đi có thảm cỏ bên hông tháp Eiffel, trên đồi Montmartre... Khi chúng xáp đến, du khách cần tránh xa, tay khoác dứt khoát, miệng la to khiến chúng e ngại sẽ lảng đi. Nếu chần chờ, để chúng hình thành thế trận bao vây, công khai móc, rạch, chuyền tay là coi như mất. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo Người lao động/ Pháp luật Plus