May bay Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA)

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã CK: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý II/2021, cho thấy tình hình tài chính hết sức bi đát của hãng bay quốc gia này.

Theo đó, quý II/2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 6.537 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn tới 10.034 tỷ đồng nên công ty ghi nhận lỗ gộp 3.497 tỷ đồng, tăng 632 tỷ đồng so với mức lỗ gộp 2.865 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, Vietnam Airlines tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng song chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng rất mạnh, từ 258,1 tỷ đồng lên mức 453,7 tỷ đồng. Không những vậy, công ty còn ghi nhuận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 4.471 tỷ đồng.

Kết quả, quý II/2021, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ sau thuế 4.528 tỷ đồng, tăng 50% so với mức lỗ cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tăng mức lỗ là do mức giảm lợi nhuận của công ty mẹ và các công ty con vì cung cấp dịch vụ hàng không giảm mạnh.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần Vietnam Airlines giảm gần 44%, chỉ đạt gần 14.000 tỷ đồng; lỗ sau thuế 8.585 tỷ đồng, tăng lỗ 63% so với mức lỗ 5.262 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, cộng thêm khoản lỗ 8.585 tỷ đồng đã nâng tổng mức lỗ lũy kế đến cuối tháng 6/2021 của Vietnam Airlines ở mức 17.771 tỷ đồng.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines còn âm 723,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm tới 5.362 tỷ đồng; dòng tiền hoạt động đầu tư âm 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 2.229 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines ở mức 61.255 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định.

Đặc biệt, nợ phải trả ở mức 64.005 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 56.489 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 42.826 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn.

Như vậy, nợ phải trả đã vượt tổng tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Không những vậy, Vietnam Airlines còn đối mặt với việc vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, với các chỉ số tài chính như trên, Vietnam Airlines đang đối mặt với nhiều mối nguy, đặc biệt là khả năng thanh toán, mất cân đối tài chính. Nếu tình hình tiếp tục bi đát thì nguy cơ phá sản là hiện hữu.

 Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhật Bản khó dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do Covid-19 đúng kế hoạch

Bộ trưởng Y tế Nhật Bản cho biết nước này “rất khó” để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 khi hết hạn theo kế hoạch vào ngày 12/9 tới đây. Xứ sở mặt trời mọc vẫn đang phải vật lộn để ngăn chặn các ca nhiễm Covid-19 mới đang gia tăng và gây căng thẳng cho hệ thống y tế nước này.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cac-chi-so-tai-chinh-rat-bi-dat-cua-vietnam-airlines-175613.html