Các địa phương khẩn trương, chủ động phòng chống bão số 4

16/08/2018 14:55

Kinhte&Xahoi Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã yêu cầu các địa phương ven biển thực hiện cấm biển từ 5 giờ ngày 16/8 và khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.

Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 4, từ ngày 16-17/8 vùng biển Nam Định có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao, biển động mạnh, nguy hiểm với tàu thuyền. 

Do đó, các huyện, thành phố, sở, ngành tập trung ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ;” theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng, tránh. 

Tàu, thuyền neo đậu tránh bão an toàn tại khu cảng cá Ngọc Hải, Đồ Sơn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân vào nơi tránh, trú an toàn; có phương án sơ tán người canh coi tại các chòi canh ngao, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. 

Đặc biệt, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền khi bão đổ bộ; di dời dân ở các khu vực nguy hiểm, cửa sông, ven biển vào nơi an toàn trước 13 giờ ngày 16/8. 

Cùng với đó, các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, nhất là với các trọng điểm phòng, chống lụt bão, các công trình đang thi công, các vị trí đê, kè bị ảnh hưởng của các đợt mưa, lũ trước nhưng chưa khắc phục xong; chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự trữ, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. 

Các Công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động các biện pháp phòng chống úng, ngập; chuẩn bị máy bơm dã chiến để chống úng cho lúa, nhất là đối với trên 20.000 ha lúa mùa mới gieo cấy lại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua. 

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến tối 15/8 đã có trên 1.380 tàu thuyền với hơn 3.700 lao động trong tổng số trên 2.100 tàu thuyền và trên 5.700 lao động của tỉnh Nam Định vào neo đậu tại các khu tránh, trú an toàn. 

Hiện lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đang khẩn trương thông báo, kêu gọi gần 1.300 lao động nuôi ngao ở khu vực ven biển của tỉnh vào bờ. 

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, ngày 16/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã có Công điện số 7 chỉ đạo ứng phó với cơn bão này. 

Tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện các nội dung như nghiêm cấm không cho tàu, thuyền ra khơi; kêu gọi tàu, thuyền, các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn xong trước 16 giờ ngày 16/8; triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III (huyện Kim Sơn) và di dân ra khỏi vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn xong trước 16 giờ ngày 16/8; huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, đảm bảo an toàn cho công trình đang xây dựng, kho tàng, bến bãi, hàng hóa, trường học, bệnh viện, trạm y tế... 

Đặc biệt, các địa phương chủ động giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, neo đơn phòng tránh bão an toàn; kiểm tra, rà soát và chủ động phương án tiêu thoát nước đô thị, các khu công nghiệp để hạn chế tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của mưa bão; chủ động triển khai các phương án ứng phó với lũ trên các sông, đặc biệt là sông Hoàng Long. 

Công điện còn yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi triển khai phương án chống úng, tiêu nước đệm, đảm bảo an toàn cho lúa mùa mới cấy, hoa màu, có phương án đảm bảo an toàn cho diện tích ao, hồ mới nuôi trồng thủy, hải sản. 

Điện lực Ninh Bình kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đường dây truyền tải điện, đảm bảo cung cấp điện bơm tiêu úng và an toàn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. 

Mặt khác, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cấp, các ngành hữu quan kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, các hồ, đập thủy lợi; triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa theo phương án đã được phê duyệt; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình xử lý khắc phục sự cố do ảnh hưởng của thiên tai và các công trình thi công ven biển.

Tính đến 6 giờ ngày 16/8, tất cả 7.443 phương tiện nghề cá với 27.747 lao động khai thác trên biển của tỉnh Thanh Hóa đã vào bờ hoặc đã tìm được nơi tránh trú an toàn. Các chủ tàu thuyền tránh trú ở các tỉnh ngoài vẫn giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương. 

Số tàu thuyền neo đậu tại các bến trong tỉnh là 7.021 tàu thuyền, neo đậu tại các bến tỉnh ngoài là 422 phương tiện với 2.895 lao động. 

Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã có lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè và chòi canh thủy sản. Tất cả các công việc trên phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 16/8. 

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa do ảnh hưởng của cơn bão số 4, từ đêm 15/8 đến các ngày 18-19/8 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có mưa to và rất to. 

Tổng lượng mưa cả đợt có khả năng đạt 150-300 mm và có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhất là ở các con suối hẹp, có độ dốc cao, rừng bị tàn phá như ở các huyện miền núi Mường Lát, Quang Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành... 

Tại các huyện Nga Sơn, Hà Trung, Nông Cống, Quảng Xương.. có nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp. 

Để ứng phó với cơn bão số 4, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây, đồng thời đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển…. 

Ở các huyện miền núi chính quyền địa phương sẵn sàng phương án sơ tán đối với các hộ đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp. 

Tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phải cương quyết sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản.

Đồng thời, tổ chức cắm biển cảnh báo và tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở và nghiêm cấm người dân vớt củi khi có lũ.

Theo TTXVN/hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những ngành nghề sẽ biến mất vì 4.0 và Blockchain

Blockchain là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu không đòi hỏi trung gian xác nhận thông tin. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đây là một hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu. Với cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ Blockchain, một số những ngành nghề có nguy cơ "tuyệt chủng".