Cuộc họp về chống biến đổi khí hậu diễn ra tại thành phố Bonn (Đức).
Cam kết này giúp bổ sung vào Quỹ Khí hậu xanh, được thành lập vào năm 2010, với vai trò là phương tiện tài trợ cho các nước đang phát triển. Đây là quỹ lớn nhất nhằm mục đích cung cấp tiền để giúp các quốc gia nghèo hơn trong việc giảm lượng khí thải, đối phó với tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Số tiền cam kết tại hội nghị ở Bonn sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi trong khoảng thời gian từ 2024 đến 2027. Riêng Chính phủ Đức đã cam kết chi 2 tỷ euro (2,1 tỷ USD).
Nhật Bản sẽ đóng góp 165 tỷ yên (1,11 tỷ USD) trong giai đoạn 2024-2027. Na Uy đề xuất khoảng 300 triệu USD. Không có cam kết tài trợ mới nào được đưa ra từ hai quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, số tiền các quốc gia cam kết không đủ để triển khai các dự án chống biến đổi khí hậu tại các nước phát triển.
Ông Sultan Al Jaber, Chủ tịch được chỉ định của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 30-11 đến 12-12 cho biết: “Mức bổ sung hiện tại không đủ để ứng phó thách thức mà thế giới phải đối mặt. Chúng ta phải tiến xa hơn nữa trong việc hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu”.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Đức Svenja Schulze, người chủ trì hội nghị Bonn, đã kêu gọi nhiều quốc gia đóng góp cho nỗ lực tài chính nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Liên hợp quốc ước tính, các nước giàu cần tăng con số cam kết cho Quỹ Khí hậu xanh lên 100 tỷ euro mới có thể hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi vượt qua khủng hoảng khí hậu.
Quỳnh Dương - Hà Nội mới