Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm và là tiêu chí để đánh giá cán bộ

19/07/2023 17:50

Kinhte&Xahoi Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh phiên họp

Cùng tham dự phiên họp tại các điểm cầu có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính ph Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và UBND các đơn vị hành chính cấp huyện.  
 
Tham dự phiên họp tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của Thành phố.
 
62/63 địa phương đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia
 
Báo cáo công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo thống kê, cập nhật, kế hoạch CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ; UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 3.003 nhiệm vụ. Tính đến ngày 21/6/2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt tỉ lệ 35% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt tỉ lệ 46% so với kế hoạch đề ra.
 
Báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ những kết quả nổi bật trong 6 lĩnh vực lớn của công tác CCHC: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
 
Về cải cách thể chế, các bộ, cơ quan đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 luật, nghị quyết; xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật. Về công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định đối với 13 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 71 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 2.043 văn bản, tăng 675 văn bản so với 6 tháng đầu năm 2022. Tại địa phương, có 241 văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra, 1.722 văn bản cần phải xử lý sau rà soát; đến nay, cơ bản các văn bản trên đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
 
Trong cải cách TTHC, trong quý II/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công an tại 10 văn bản quy phạm pháp luật. Tính từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản; đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 470 quy định kinh doanh tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 41%. Cũng trong quý II/2023, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 1.129 quyết định công bố 14.716 TTHC, danh mục TTHC để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đã công khai 11.581 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến nay, đã có 31,16% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ TTHC được số hóa. 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
 
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đến nay, đã có 26 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan được ban hành. 18 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Bộ Nội vụ đang tham mưu xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế quản lý tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đặc biệt lưu ý phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, ngày 3/6/2023, quy định về tinh giản biên chế. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 439/QĐ-TTg, ngày 25/4/2023, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, đã có 7/20 bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và 5/15 Bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. 
 
Về cải cách chế độ công vụ, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, ngày 10/6/2023, quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 3 thông tư. Bộ Nội vụ đang tích cực hoàn thiện để đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập...
 
Về cải cách tài chính công, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 1 dự án luật, 2 nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 nghị định, 3 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 39 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước.
 
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại Hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng. 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Tuy nhiên, công tác CCHC còn một số tồn tại, hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương. TTHC trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, vướng mắc, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…
 
Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số Bộ, Ngành, địa phương còn chậm; tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng...
 
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, những nguyên nhân chính là công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC ở một số nơi vẫn chưa thực sự quyết liệt; người đứng đầu ở một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC thuộc phạm vi quản lý; nhiều nơi, nhiều lúc còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong việc chỉ đạo xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn dẫn đến hiệu quả cải cách chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả; còn tình trạng níu kéo, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực; trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
 
Công tác tuyên truyền CCHC chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức về nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực dẫn đến các nội dung, nhiệm vụ CCHC chưa được lan tỏa sâu rộng tới tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và tới người dân, cộng đồng xã hội, tạo sự đồng hành, chia sẻ trách nhiệm trong triển khai CCHC.
 
Cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà
 
Tại phiên họp, các đại biểu phân tích, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong CCHC; làm rõ và đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện CCHC thời gian tới.
 
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đã chuẩn bị chu đáo các tài liệu phục vụ phiên họp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn; giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, sớm hoàn thiện Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo.
 
Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ chúng ta cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa trong công tác CCHC, đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể, cao hơn nữa cho người dân, đưa đất nước tiếp tục phát triển. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chính quyền phải mang lại cảm hứng, truyền động lực, huy động được nguồn lực của người dân; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
 
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như hoạt động chỉ đạo, điều hành về CCHC ở một số nơi còn hình thức, chưa quyết tâm, thiếu quyết liệt, chưa sát tình hình, hiệu quả chưa cao; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành.
 
Cải cách TTHC còn chậm, nhiều quy định kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa nhưng chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; hơn 600 TTHC chưa được phân cấp; TTHC trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo; công khai, minh bạch TTHC của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; tỉ lệ số hóa hồ sơ, giấy tờ TTHC còn thấp; cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.
 
Về kỷ luật, kỷ cương hành chính còn xảy ra tình trạng sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; một số công chức, viên chức thiếu động lực để giải quyết công việc cho người dân. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu là cơ học, chưa được như mong muốn; cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn bất cập. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều cơ quan, địa phương còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
 
Nhiều bộ, ngành, địa phương xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả chưa cao, thậm chí còn hình thức; an ninh, an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức...
 
Thủ tướng cho rằng những tồn tại, hạn chế trên có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu. Một số nơi chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo, chưa phát huy được vai trò người đứng đầu; nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách ở một số Bộ, ngành chưa kịp thời; việc triển khai công việc thiếu trọng tâm, trọng điểm…
 
Thủ tướng rút ra một số bài học kinh nghiệm, trước hết là bám sát tình hình thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, đồng thời quán triệt, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản ứng chính sách, linh hoạt, tích cực, chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nghiêm cấm việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
 
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; đặt mình vào địa vị người dân và doanh nghiệp để xử lý công việc, thường xuyên kiểm tra, giám sát, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình CCHC. Chú trọng công tác truyền thông chính sách tạo đồng thuận đối với người dân, doanh nghiệp; chú ý làm rõ những quyết sách, chính sách mới; cổ vũ, động viên những mô hình mới, cách làm hay, truyền cảm hứng, tạo động lực thúc đẩy công tác cải cách…
 
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 3 nhiệm vụ ưu tiên cần rà soát trong công tác CCHC. Thứ nhất, rà soát hệ thống các văn bản pháp luật để xác định những vướng mắc cần giải quyết (ở đâu, nội dung nào, ai giải quyết, thời hạn bao lâu).
 
Thứ hai, rà soát những thủ tục mà được người dân, doanh nghiệp quan tâm trong giai đoạn hiện nay về lĩnh vực đất đai, thuế, phí, xuất nhập khẩu, hải quan, tín dụng…, xử lý các vướng mắc để thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
 
Thứ ba, rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, những ai vi phạm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai thì phải xử lý theo quy định; những người làm tốt, vì dân, vì nước thì khen thưởng, động viên kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp

Thủ tướng nhấn mạnh cần cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà, những gì pháp luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm và khuyến khích đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, không ban hành thêm các văn bản để cản trở, làm tăng chi phí tuân thủ cũng như khả năng phát sinh tiêu cực… Cùng với đó, tăng cường kiểm tra kiểm tra, thanh tra, giám sát công vụ; tổ chức quán triệt các chỉ đạo của phiên họp hôm nay tới tận cơ sở; rà soát xem các chỉ đạo, điều hành vừa qua đã tạo chuyển biến đến đâu trong thực tế để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp tình hình. Người đứng đầu các cấp phải xác định CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm trong thực thi nhiệm vụ, đây cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ.
 
Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC được giao. Tăng cường đối thoại, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương triển khai hiệu quả các chỉ đạo về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách TTHC trong cấp phiếu lý lịch tư pháp.
 
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và tương đương, trình Thủ tướng. Thực hiện có hiệu quả quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế; cơ cấu lại theo vị trí việc làm…
 
Tăng cường thanh tra công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương; xử lý nghiêm vi phạm. Khẩn trương ban hành hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức; tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài và chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp lại số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP. Ưu tiên cán bộ cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
 
Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề nghị tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để triển khai có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); triển khai có kết quả Đề án 06.

 Huy Kiên - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Australia lạc quan về các cuộc đàm phán thuế toàn cầu tại hội nghị G20 ở Ấn Độ

Theo Reuters ngày 15-7, Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers đã bày tỏ sự lạc quan về tiến trình cải tổ hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu được chờ đợi từ lâu tại hội nghị của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Ấn Độ trong hai ngày 17 và 18-7.

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2858538/cai-cach-hanh-chinh-la-nhiem-vu-trong-tam-va-la-tieu-chi-e-anh-gia-can-bo.html