Cần bình ổn giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

08/06/2022 08:07

Kinhte&Xahoi Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn đề Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan đưa ra giải pháp.

Theo chương trình làm việc ngày 7/6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Đình Gia cho biết, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi là ngô tăng rất cao trong thời gian gần đây. Vấn đề này, đại biểu đã tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. 

Cần bình ổn giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh (tranh luận): Bình ổn giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Diện tích trồng ngô giảm liên tục từ năm 2015 đến nay. Ngô là cây sản xuất có lợi thế của Việt Nam. Người dân xác định trồng ngô là cây truyền thống, diện tích cao nhưng cả một khoảng thời gian rất dài không có chính sách phát triển trồng ngô làm nguyên liệu. Đại biểu Trần Đình Gia bày tỏ băn khoăn trong việc điều hành quy hoạch sản xuất. Theo đó, trong khi trồng nhiều loại cây thì phải giải cứu rất nhiều, nhưng sản phẩm liên tục phải nhập khẩu tăng hàng năm thì diện tích sản xuất liên tục giảm.

Giải trình ý kiến của đại biểu Trần Đình Gia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Chính phủ đã  có chương trình hỗ trợ nông dân đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi một phần đất lúa sang trồng ngô và chính sách hỗ trợ. Nghĩa là đã có chính sách nhưng thực tiễn cuộc sống, người nông dân sẽ cân nhắc một ngành hàng nào đó.

Đại biểu Lý Văn Huấn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Lý Văn Huấn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Hiện nay giá vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều tăng phi mã. Trong khi đó sản phẩm nông nghiệp, sản xuất gia tăng không đáng kể, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Vậy Bộ trưởng có giải pháp như nào để đảm bảo bình ổn giá vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới?

Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng thực phẩm bẩn bị ô nhiễm diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp để kiểm soát lĩnh vực này trong thời gian tới?

Làm gì để tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Vân Thi, đoàn Bắc Giang cho rằng, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam tương đối cao, đạt trên 48 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, chủ yếu là xuất khẩu thô. Có gần 80% là xuất khẩu tiểu ngạch. Trong số đó có 70% là lệ thuộc vào một thị trường lớn, rủi ro. Đây là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ có giải pháp, chính sách nào để tăng tỉ lệ nông sản đã qua chế biến, tăng tỉ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt trong các gian hàng, siêu thị nước ngoài với giá cao lên đến hàng trăm nghìn, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và siêu thị trong nước còn ở mức thấp - vài chục nghìn đồng.

Lấy ví dụ từ câu chuyện vải thiều qua Nhật Bản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giá vải xuất sang Nhật lên đến mấy trăm nghìn một kg - giá rất cao - nhưng thương lái lại mua nông sản của người nông dân với giá thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do để sản phẩm nông sản lên kệ hàng ở siêu thị nước ngoài thì chi phí logistics, chi phí thị trường chiếm tỉ trọng rất cao.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Trong khi đó, bàn luận về việc hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam hiện là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở. Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã làm rất tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, cung cấp thông tin thị, khuyến cáo vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng sản xuất theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, đã phối hợp trên cơ sở các FTA đã ký thì đàm phán để đưa các sản phẩm nông nghiệp vào thị trường nước ngoài. Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan để thuận lợi hóa các thủ tục.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ sẽ tiếp tục làm tốt thông tin thị trường, khai thác lợi thế 17 FTA đã ký tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử. Cùng với đó, đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến cáo có sự liên kết trong tổ chức sản xuất. Bộ trưởng nhấn mạnh trong quá trình này, vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương là rất quan trọng và đây là điều thực tiễn đã chứng minh.

 Tường Vân - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam được đánh giá cao về tốc độ phục hồi sau đại dịch

Theo Chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19 (COVID-19 Recovery Index) tháng 5 mà báo Nikkei Asia vừa công bố mới đây cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có sự thể hiện tốt nhất khi đều nỗ lực nới lỏng các quy định phòng ngừa, đồng thời giữ cho lây nhiễm ở mức thấp.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/can-binh-on-gia-nguyen-lieu-thuc-an-chan-nuoi-d183352.html