Cán bộ gần dân, sát cơ sở hơn trong thực hiện nhiệm vụ

18/01/2023 21:20

Kinhte&Xahoi Thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội, Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lựa chọn những vấn đề quan trọng, cấp thiết, cấp bách làm trọng tâm, trọng điểm để tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo.

Nhờ đó, không chỉ tạo chuyển biến mà còn lan tỏa cách làm tới tận cơ sở. Thực hiện Chương trình, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, triển khai áp dụng nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả…

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU. (Ảnh: Thanh Hải)

Tạo nhiều chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 01-CTr/TU đã giao 11 cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng 34 đề tài, đề án, chuyên đề, kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ Chương trình. Đến nay, có 29/34 nội dung hoàn thành; còn lại 5 nội dung đang được các cơ quan thực hiện.

Trong đó, Thành ủy, các cấp ủy tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy. Công tác xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy và tổ chức đảng có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong năm qua, toàn Đảng bộ Thành phố đã kết nạp 10.183 đảng viên (đạt 108,7% kế hoạch); thành lập 99 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (đạt 145,6% kế hoạch); củng cố 28/39 tổ chức cơ sở đảng theo tinh thần Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Thành ủy cũng đã chỉ đạo hoàn thành Đề tài khoa học về “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội - Thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”; triển khai 2 phần mềm “Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý” và “Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng”; tiếp tục xây dựng 2 phần mềm “Điều hành, tác nghiệp quản lý đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội” và “Sổ tay điện tử đảng viên”.

Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình 01-CTr/TU tại năm 2022 là TP đã tham mưu Bộ Chính trị tổng kết Nghị quyết 11 và ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố cũng quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án, mạnh dạn phân cấp, ủy quyền…

Cùng với đó, Thành ủy, các cấp ủy đã chỉ đạo thành công Đại hội 17.341/17.341 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2022-2025; Đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026; Đại hội Hội Liên hiệp các tổ chức Hữu Nghị Thành phố, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh nhiệm kỳ 2022-2027.

Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được coi trọng. Trong năm qua, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 1.581 tổ chức đảng, 599 đảng viên; giám sát đối với 949 tổ chức đảng, 575 đảng viên, tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; việc thực hiện quy chế làm việc; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác cán bộ; công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện 2 cuộc kiểm tra, 1 cuộc giám sát đối với 35 tổ chức đảng và 42 đảng viên. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với 145 tổ chức đảng và 334 đảng viên, kết luận 65 tổ chức đảng và 196 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng và 153 đảng viên.

Đặc biệt, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền; về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong năm qua, Thành phố đã ban hành Đề án mô hình bộ phận một cửa hiện đại và đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông thống nhất toàn Thành phố. Tập trung rà soát, đánh giá đơn giản hóa thủ tục hành chính, thông qua đó, đã bãi bỏ 575 thủ tục hành chính; thực hiện ủy quyền đối với trên 700 thủ tục hành chính…

Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Công Hùng)

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo

Trước bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Chương trình 01-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2023. Trong đó, nhấn mạnh đến việc cần tạo chuyển biến, chuyển động mạnh hơn nữa của các quận, huyện, sở ngành; phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại để tháo gỡ khó khăn; phát hiện và chủ động giải quyết sớm các vướng mắc phát sinh từ cơ sở. Đồng thời, tiếp tục mạnh dạn nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới trong công tác xây dựng Đảng…

Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU yêu cầu, các cấp ủy tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ bảo đảm tiến độ, thực chất, hiệu quả, làm rõ được ưu điểm để tiếp tục phát huy và tổ chức thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo quy định.

Ban Cán sự Đảng UBND TP, các ban Đảng Thành ủy tham mưu ban hành đầy đủ các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra. Các cấp ủy Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Đồng thời, cụ thể hóa thành nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, gắn với kiểm soát quyền lực và phát huy dân chủ ở cơ sở nhưng bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; gần dân, sát cơ sở hơn.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND TP tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng điểm như: trình Luật Thủ đô (sửa đổi); giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đúng tiến độ; hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số gắn với phân cấp, ủy quyền; xử lý các dự án chậm tiến độ...

Trần Long - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thụy Sĩ chạy đoàn tàu 100 toa dài 2km vượt dãy Alps

Kỷ niệm 175 năm ngày thành lập tuyến đường sắt đầu tiên của Thụy Sĩ, ngành đường sắt của nước này đã cho chạy đoàn tàu chở khách kỷ lục với 100 toa, nặng 2.990 tấn và dài gần 2km vượt qua dãy núi Alps.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/can-bo-gan-dan-sat-co-so-hon-trong-thuc-hien-nhiem-vu.html