Cận cảnh loạt trạm bê tông "thách thức" chỉ đạo phá dỡ ở Tiên Du, Bắc Ninh

13/12/2021 10:07

Kinhte&Xahoi Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh yêu cầu tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Vì sao?

Trước tình trạng vi phạm pháp luật về xây dựng, tháng 10/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 12 quyết định xử phạt hành chính (1275 1286)QĐ-XPVPHC của đối với 12 doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính tự ý xây dựng công trình trạm trộn bê tông trái phép ngoài bãi sông, trên địa bàn các huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong.

Tại Quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt hành chính bằng tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.

Sau khi kiểm tra phát hiện, đến nay (tháng 11/2021) mới có 9/12 doanh nghiệp đã thực hiện nộp tiền phạt, còn 03/12 doanh nghiệp là Công ty CP đầu tư sản xuất bê tông tươi Á Châu, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng An Phúc, Công ty TNHH Xây dựng Minh Đạo chưa thực hiện việc nộp phạt theo quy định.

Về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép đến nay 12/12 doanh nghiệp đều chưa thực hiện.

Như vậy, có thể thấy, việc doanh nghiệp "nhờn luật", thách thức chỉ đạo từ phía tỉnh Bắc Ninh đang có chiều hướng gia tăng.

Tại bài viết này, Pháp luật Plus xin gửi đến bạn đọc những hình ảnh mới nhất về các "ông chủ" trạm trộn bê tông, vật liệu xây dựng đang chậm trễ tháo dỡ công trình vi phạm tại huyện Quế Võ, Tiên Du:

Tháng 10/2021, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng An Phúc (Chi nhánh tại Bắc Ninh) đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tập kết vật liệu xây dựng tại bãi sông khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép (tại khu vực: Km2+750÷Km3+450 đê bối Tả Đuống, thuộc xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du). Tuy nhiên, đến tháng giữa tháng 11/2021, bãi tập kết vật liệu xây dựng của công ty An Phúc vẫn nguyên si, chưa có dấu hiệu di chuyển.
Để khách quan thông tin tới bạn đọc Phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Lực - Người đại diện Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng An Phúc. Ông Lực cho biết: "Tôi nói luôn là tất cả ở đây mỗi mình trạm của tôi là có giấy phép, còn lại tất cả đều không có phép. Họ xử phạt theo phong trào chứ trạm trộn bê tông của tôi có phép. Xử phạt tôi là vì chưa hoàn thiện thủ tục để được chấp thuận bến bãi. Họ thúc tôi đền bù cho bà con để tỉnh cấp cho giấy phép...".
Đây là hàng loạt trạm trộn bê tông trên địa bàn xã Tri Phương, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Khi được hỏi về tiến độ phá dỡ các trạm trộn bê tông theo yêu cầu của tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Đại Đồng - Chủ tịch UBND huyện Tiên Du cho biết: "Hiện nay huyện còn một số doanh nghiệp chưa nộp phạt hành chính theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh, về việc này tôi sẽ đốc thúc các doanh nghiệp nộp phạt. Về việc tháo dỡ những trạm trộn bê tông không phép tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý".
Tại khu vực đê tả Đuống, xã Tri Phương có các trạm trộn bê tông không phép, buộc yêu cầu tháo dỡ là của các Công ty TNHH Xây dựng Tri Phương (Km 24+300); Công ty cổ phần bê tông Chèm Kinh Bắc (Khu vực: Km24+050); Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Việt Nhật (Km 24+200)...
Nhiều tàu thuyền ghé khu vực này làm nơi đổ vật liệu, than...
Hầu hết các trạm trộn tại khu vực này đều hoạt động không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Việc hàng loạt xe chở vật liệu xây dựng, chở bê tông... vận chuyển qua tuyến đê này đã xảy ra trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn vỡ nát như hình ảnh.
Có những đoạn, vết nứt rộng từ 10-15cm, kéo dài hàng mét. Chính những hoạt động vi phạm của các doanh nghiệp trạm trộn bê tông vừa gây ảnh hưởng môi trường, gây hại đến mặt đê, khiến Nhà nước thất thu nguồn thuế, cũng như phải dùng Ngân sách để tu bổ lại mặt đê.
 
Những hình ảnh này trong thời gian dài đã gây bức xúc trong nhân dân tại xã Tri Phương, huyện Tiên Du.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị UBND huyện Tiên Du, UBND huyện Yên Phong: Chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, UBND các xã có công trình xây dựng vi phạm trên địa bản đã bị xử phạt nêu trên khẩn trương khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm trái phép. Yêu cầu, chỉ đạo là rõ ràng như vậy, tuy nhiên nếu cứ tiếp tục tái diễn tình trạng "nhờn luật" như hiện nay, thì tiến độ tháo dỡ sẽ đình trệ, niềm tin vào sự tôn nghiêm của pháp luật bị ảnh hưởng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Chí Kiên - Hải Đăng - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cô gái bay vòng quanh thế giới ở tuổi 19

Nữ phi công tuổi teen Zara Rutherford đã hạ cánh xuống Seoul cuối tuần vừa qua. Đây là chặng dừng chân đầu tiên ở Châu Á của cô trong nỗ lực trở thành người phụ nữ trẻ nhất bay vòng quanh thế giới một mình.

Omicron sẽ "châm ngòi" cho khủng hoảng vaccine mới?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại rằng các quốc gia giàu có "hoảng sợ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron" có thể đẩy mạnh việc tích trữ vaccine COVID-19 và "châm ngòi" cho sự căng thẳng nguồn cung một lần nữa, gây phức tạp thêm cho nỗ lực dập dịch toàn cầu.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/can-canh-loat-tram-be-tong-thach-thuc-chi-dao-pha-do-o-tien-du-bac-ninh-d172619.html