Cần nâng cao cảnh giác khi những biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện

17/04/2022 14:20

Kinhte&Xahoi Thế giới đang quay về trạng thái bình thường khi hiệu quả của vắc xin cùng với các biện pháp phòng dịch đã đưa cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 chuyển sang giai đoạn mới.

Theo thống kê, so với tuần trước, số ca mới mắc COVID-19 toàn cầu đã giảm 22%, trong đó Châu Á ghi nhận con số giảm mạnh nhất 28%, tiếp sau là Châu Âu 21%, Châu Phi 19%...

Tuy nhiên sự biến đổi khó lường của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi con người phải cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào.

Sự biến đổi khó lường của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi con người phải cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào (Ảnh: Marcus Mark Ramos)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra cảnh báo vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát những đợt dịch lớn trên toàn cầu.

Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhận định rằng sẽ là sai lầm nếu cho rằng khi đại dịch COVID-19 dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu, mọi vấn đề sẽ được giải quyết.

Theo ông Ryan, COVID-19 chưa hề thuyên giảm hay trở thành căn bệnh theo mùa mà dịch bệnh này vẫn gây biến động và có khả năng dẫn đến các đợt dịch lớn.

Ông Ryan cũng nhấn mạnh bệnh đặc hữu không đồng nghĩa với việc mọi thách thức sẽ chấm dứt, đồng thời đưa dẫn chứng bệnh lao và sốt rét là những căn bệnh đặc hữu vẫn khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm.

Cùng quan điểm trên, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO nhận định rằng virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới. Đây là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các ca tử vong và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều phương diện.

Theo ông Ryan lý giải, thông thường các bệnh dịch sẽ lắng xuống và có diễn biến đặc hữu, tập trung vào một bộ phận người dân cụ thể. Ông cho biết các bệnh dịch thường có thể trở thành những căn bệnh ở trẻ nhỏ, tương tự như bệnh sởi và bệnh bạch hầu, vì cơ thể trẻ em thường nhạy cảm hơn với các loại virus.

Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tiêm chủng giảm, như đã từng xảy ra với việc tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi, các đợt dịch có thể bùng phát trở lại.

Virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được (Ảnh: Herald Sun)

Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp WHO Didier Houssin nhận định rằng chưa phải là lúc để hạ thấp mức độ cảnh giác, hoặc buông lỏng việc giám sát, xét nghiệm hay sao lãng các biện pháp y tế cộng đồng và ngừng chiến dịch tiêm chủng, bởi mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất mạnh và virus đang tiến hóa không thể dự đoán được.

Trên thực tế nếu tính từ những trường hợp đầu tiên được ghi nhận mắc virus SARS-CoV-2 từ cuối năm 2019, hơn 1 năm sau, thế giới ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 vượt 100 triệu ca vào ngày 26/1/2021. Hơn 6 tháng sau, ngày 4/8/2021, con số này là 200 triệu. Sau đó 5 tháng, thế giới có thêm 100 triệu ca mắc.

Khoảng thời gian tăng từ 300 triệu ca (ngày 6/1/2022) lên 400 triệu ca rút ngắn chỉ còn khoảng 1 tháng (ngày 8/2/2022).

Điều đó cho thấy sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền nhanh hơn, như biến thể Delta hồi đầu năm ngoái hay biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở Nam Phi tháng 11/2021, là yếu tố tác động, đòi hỏi các nước phải chuẩn bị phương án, công cụ hiệu quả để ngăn chặn mọi làn sóng bùng phát của đại dịch

Mới đây, sự xuất hiện của Deltacron - biến thể lai giữa Delta và Omicron, hay biến thể tái tổ hợp XE giữa dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron tại nhiều nước, càng chứng minh chuẩn bị sẵn sàng cho mọi diễn biến của dịch là lựa chọn đúng đắn nhất.

Dự báo của các nhà khoa học cho thấy biến thể XE có khả năng lây lan cao hơn từ 5-10% so với dòng phụ BA.2 (còn gọi là Omicron tàng hình), dòng phụ dễ lây lan nhất của biến thể Omicron cho đến nay.

Do đó, WHO cảnh báo các nước cần thận trọng theo dõi diễn biến dịch bệnh để có thể chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời. Hiện WHO đang theo dõi các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3., BA.4 và BA.5 của Omicron cũng như biến thể tái tổ hợp của BA.1 và BA.2 khi "biến thể tàng hình" BA.2 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu.

 Theo TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chi phí nuôi con ở quốc gia nào đắt nhất thế giới

Nuôi con trẻ rất tốn kém, bất kể bạn sống ở đâu trên thế giới. Tuy nhiên, xứ sở kim chi đứng đầu danh sách những nơi tốn kém nhất để nuôi dạy một đứa trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi, tính theo lệ phần trăm GDP bình quân đầu người, theo nghiên cứu từ Jefferies, sử dụng dữ liệu từ Yuwa Population Research.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/can-nang-cao-canh-giac-khi-nhung-bien-the-cua-virus-sars-cov-2-van-tiep-tuc-xuat-hien-194217.html