Cảnh báo tình trạng du khách bỏ trốn ở nước ngoài

22/08/2023 10:28

Kinhte&Xahoi Nhiều vụ du khách Việt bỏ trốn trong các tour du lịch lữ hành ở nước ngoài đã xảy ra. Điều này có thể gây một loạt hậu quả không chỉ đối với cá nhân mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt trên trường quốc tế.

Sân bay Yangyang của tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. (Ảnh minh họa)

Mới đây, UBND TP HCM có văn bản gửi Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xử phạt 4 công ty lữ hành trên địa bàn TP HCM có 32 trong số 100 khách trốn ở lại Hàn Quốc hồi tháng 10/2022.

Tháng 10/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận có việc gần 100 người Việt mất liên lạc sau khi nhập cảnh với lý do du lịch qua sân bay Yangyang của tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Sự việc khiến Hãng hàng không Fly Gangwon thông báo Hàn Quốc tạm thời không thể tiếp nhận khách Việt đăng ký theo diện miễn visa đến sân bay này từ 0h ngày 23/10 đến 31/10/2022.

Thông qua thanh tra cho thấy, trong 100 du khách Việt Nam bị mất liên lạc nói trên, có 32 khách của 4 công ty lữ hành trên địa bàn TP HCM. Trong đó, 23 khách của Công ty dịch vụ du lịch Top Ten, 3 khách của Công ty du lịch và tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel; 3 khách của Công ty Cổ phần Du lịch Top Asian; 3 khách của Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Chợ Lớn.

Từ đó, Thanh tra Sở Du lịch đã xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND TP HCM và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với 4 doanh nghiệp liên quan với mức phạt đề nghị từ 80 - 90 triệu đồng. Ngoài ra còn công ty khác bị đề nghị xử phạt thêm hành vi “không có hợp đồng lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định” với mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Các công ty trên cũng bị đề nghị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 - 18 tháng.

Đây không phải là sự việc nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến hành vi bỏ trốn của du khách Việt tại nước ngoài. Năm 2018, vụ việc 152 khách du lịch Việt mất liên lạc tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng từng khiến dư luận xôn xao. Thời điểm đó, Đài Loan (Trung Quốc) phải lập đội đặc nhiệm tìm kiếm. Cũng trong năm 2018, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đưa thông báo về án phạt dành cho 8 đơn vị lữ hành do “vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết”, có 7 công ty bị hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa đoàn cho du khách đi tour vì có một số du khách bỏ trốn sau khi du lịch đến nước này thông qua các công ty nói trên. Ngoài ra, du khách Việt đến Mỹ, các nước châu Âu... cũng đã có trường hợp bỏ trốn.

Theo các đơn vị du lịch lữ hành, hành vi bỏ trốn của du khách Việt Nam khi sang du lịch nước ngoài thường rất tinh vi, mặc dù nhiều đơn vị đã có chuyên gia sàng lọc hồ sơ rất kĩ, nhưng vẫn có những hành khách dùng thủ thuật để “lọt lưới”. Có những trường hợp du khách không trốn ngay lần đầu đi du lịch mà phải đến lần đi thứ hai mới thực hiện hành vi. Có trường hợp, du khách đăng kí đi một số nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc... trước, sau khi có hồ sơ “đẹp”, tham gia tour du lịch Mỹ, Úc rồi “không liên lạc được”.

Còn có những du khách đã có gia đình, kinh tế ổn định, vợ con hoặc chồng con ở lại trong nước, nhưng vẫn bỏ trốn. Các trường hợp quá tinh vi đã gây khó cho các công ty du lịch trong lập hồ sơ xin visa.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp là các cơ sở “đội lốt” công ty du lịch để nhận số tiền lớn tổ chức đưa người có nhu cầu “trốn” ra nước ngoài lao động phi pháp.

Những vụ việc trên đã để lại nhiều hệ lụy, có thể gây ra lo ngại về an ninh và quản lý nhập cảnh của quốc gia khác. Điều này có thể dẫn đến việc nâng cao các biện pháp kiểm soát nhập cảnh và làm tăng sự khó khăn trong việc cấp visa cho những người thực sự có ý định du lịch hợp pháp. Chưa kể đến việc công dân nước ta trở thành lao động nhập cư bất hợp pháp tại nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Việc xử phạt một vài công ty du lịch có lẽ chỉ có thể giải quyết “phần ngọn” của vấn đề. Thời gian tới, Sở Du lịch TP HCM cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP, Bộ Công an để điều tra, triệt phá đường dây có dấu hiệu có tổ chức.

Việc nâng cao đời sống, an sinh xã hội cho người dân, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cũng là những biện pháp cần làm nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng khách đi du lịch nước ngoài rồi trốn lại, gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam, tác động không hay đến lĩnh vực du lịch, đầu tư và hợp tác quốc tế.

Theo quy định tại Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch thì tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật bị phạt tiền từ 80 - 90 triệu đồng; đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 - 18 tháng. Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nếu không quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch cũng bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

 Ngọc Mai - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nền kinh tế Đức: Chặng đường gập ghềnh còn ở phía trước

Mặc dù đã thoát “đáy” suy thoái, nhưng hàng loạt diễn biến trái chiều trong các chỉ số quan trọng tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế Đức. Thực trạng này cho thấy tia hy vọng cuối đường hầm về một lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu vẫn chưa thực sự rõ ràng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/canh-bao-tinh-trang-du-khach-bo-tron-o-nuoc-ngoai-d197669.html